Ngọc Hồi: Tích cực phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS

05/06/2024 13:06

Mỗi dân tộc ở huyện Ngọc Hồi đều có những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp phục dựng, tái hiện và duy trì các lễ hội, nghi lễ truyền thống, góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Trong tháng 5, chúng tôi có dịp tham quan Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng (xã Đăk Dục) và được chứng kiến hoạt động phục dựng lễ hội Cha Kchiah (ăn than).

Nghệ nhân Brôl Vẻ (79 tuổi, ở làng Đăk Răng) cho biết, Cha Kchiah là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Gié - Triêng ở xã Đăk Dục. Lễ hội này được làng tổ chức sau mùa thu hoạch để tạ ơn thần linh và cũng là dịp chuẩn bị dụng cụ lao động sản xuất cho vào vụ mùa mới. Lễ hội thường tổ chức vào tháng 5 hoặc tháng 6 (dương lịch) hằng năm.

“Để chuẩn bị phục dựng lễ hội, làng có bước chuẩn bị công phu và tiến hành rất thận trọng. Làng phải tập luyện trước một tuần. Lễ phục dựng có 30 nghệ nhân trong làng tham gia xuyên suốt”- nghệ nhân Brôl Vẻ cho hay.

Lễ hội Cha Kchiah (ăn than) được làng Đăk Răng phục dựng. Ảnh: N.S

 

Theo quan niệm của người Gié - Triêng xưa, trước khi tổ chức lễ hội Cha Kchiah, già làng chọn ra 7 người đàn ông lao động sản xuất giỏi lên rừng đốt than. Trên rừng, 7 người này phải thực hiện các nghi lễ khấn xin thần linh, đội mũ làm từ cây Long Kliă Klao. Sau đó, họ lựa cây Kchiah tốt nhất và đốt thành than, mang về cho dân làng rèn nông cụ chuẩn bị vụ mùa mới. Trong thời gian 7 người đàn ông lên rừng đốt than, ở làng, người dân bắt tay vào sửa sang nhà rông, làm nhà rèn, chuẩn bị rau rừng, thịt chuột, cá suối để phục vụ lễ hội.

Khi than đã về, dân làng đánh cồng chiêng ngân vang chào đón. Già làng làm lễ đưa than vào nhà rèn và rèn một nông cụ bất kỳ để xin thần linh cho dân làng có các dụng cụ lao động thật bền, sắc bén. Sau đó, người rèn lấy lá non của cây đót nhai nát, trộn với bột cua đá nướng chín, giã nhuyễn và thêm nước, khuấy đều bôi lên cây sắt trước khi đưa chúng vào lò rèn.

Kết thúc phần rèn dụng cụ lao động sản xuất, dân làng cõng 7 người đàn ông đi lấy than lên nhà rông và mời họ ăn gạo thiêng. Sau đó, làm nghi thức cho những người đi lấy than. Kết thúc nghi lễ dân làng đánh cồng chiêng, trống, múa xoang dưới nhà rông, rồi mời nhau uống rượu cần, thưởng thức món ăn truyền thống và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Ông Bloong Hâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: “Việc duy trì tổ chức phục dựng các lễ hội, nghi lễ hằng năm nhằm giáo dục văn hóa truyền thống và nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho nhân dân trong xã”.

Các lễ hội được phục dựng, tái hiện đều thực hiện đúng thời gian, không gian, quy trình, nghi thức truyền thống dân tộc. Ảnh: NS

 

Xã Đăk Ang cũng đang tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống thông qua việc phục dựng lễ hội độc đáo của dân tộc Xơ Đăng. Trong đó, có lễ hội Cạ Bhau Hnao (ăn lúa mới) được chính quyền xã phối hợp đoàn nghệ nhân làng Đăk Giá 2 (xã Đăk Ang) tổ chức phục dựng vào đầu năm.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống với mục đích mừng lúa mới của người Xơ Đăng. Được coi là lễ hội tổng kết mùa màng, tổ chức vào tháng 1 hoặc tháng 2 (dương lịch). Lễ hội có ý nghĩa tôn vinh hạt lúa của giàng, cúng các vị thần linh như thần sông, núi, mưa, sấm và thần mùa màng để cho mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho no ấm.

Theo nghệ nhân A Nuy (68 tuổi, ở làng Đăk Giá 2), lễ hội Cạ Bhau Hnao gồm có 2 phần, phần lễ là cúng giàng, các vị thần; phần nhạc là đánh trống cặp đôi. Sau các phần lễ, nhạc thì dân làng tập trung dâng gửi đến giàng những lễ vật mà bà con tự sản xuất, đánh bắt được như cơm lam, cá suối, thịt gà, thịt chuột và cầu mong giàng tiếp tục ủng hộ, giúp mưa thuận gió hòa để công việc sản xuất được thuận lợi, bà con được mùa làm ăn tốt đẹp, có cuộc sống ấm no. Sau cuối là dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang và cùng nhau thưởng thức rượu cần, món ăn đặc sản.

“Lần đầu tiên người Xơ Đăng ở xã Đăk Ang tái hiện nguyên bản, chi tiết về phong tục ăn mừng lúa mới sau thời gian dài bị mai một. Thông qua lễ phục dựng, chúng tôi mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống vốn có của dân tộc mình; giới thiệu, quảng bá, hình ảnh cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo đã có từ lâu của đồng bào Xơ Đăng nơi đây”- nghệ nhân A Nuy cho hay.

Ông Bùi Viết Sỹ - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết: “Việc phục dựng lễ hội, nghi lễ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện đã tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc; đồng thời, từng bước “đánh thức” những nét văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn”.   

Nay Săt

Chuyên mục khác