Quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật

18/04/2025 06:00

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), tạo nên những dấu ấn rõ nét trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.
Hỗ trợ hiệu quả công tác sưu tầm, biên soạn và lưu trữ các truyện cổ, sử thi và bài hát dân tộc. Ảnh: HT

 

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển VHNT trong thời kỳ mới, tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động thiết thực. Các hoạt động nghệ thuật quy mô lớn được tổ chức thường xuyên, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng. Công tác bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân gian được đẩy mạnh; trong đó, ngành Văn hóa đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca tại các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Ngọc Hồi; sưu tầm, biên soạn và lưu trữ hơn 100 truyện cổ, sử thi, bài hát của người DTTS; tôn vinh, phong tặng danh hiệu cho nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân để góp phần "truyền lửa" cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm, chú trọng đầu tư chiều sâu cho các hoạt động sáng tác, có nhiều cây bút, họa sĩ, nhạc sĩ của tỉnh đạt các giải thưởng VHNT cấp quốc gia và khu vực. Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Văn học-Nghệ thuật đã tổ chức sáng tác, xuất bản và hoạt động văn hóa như triển lãm ảnh và mỹ thuật, các cuộc thi sáng tác logo, ca khúc, thơ thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Các tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ giúp khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, con người Kon Tum mà còn phản ánh sinh động đời sống chính trị - xã hội, chú trọng các vấn đề thời sự, cấp thiết như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ biên giới, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Từ năm 2010 đến năm 2024, tỉnh có hơn 50 tác phẩm đạt giải trong các cuộc thi sáng tác VHNT cấp quốc gia, khu vực (văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc...). Trong đó, có nhiều lần đoạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích tại các cuộc thi sáng tác về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Biên giới- hải đảo quê hương”, “Nông thôn mới”. Nhiều hội viên của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh được trao tặng Huy hiệu vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; một số văn nghệ sĩ được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam...

Tỉnh còn đẩy mạnh kết nối văn học nghệ thuật với phát triển du lịch thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các huyện biên giới, kết hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng. Các đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gié-Triêng được tạo điều kiện nhiều lần tham gia biểu diễn tại các sự kiện trong nước và quốc tế, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong quảng bá văn học nghệ thuật, nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Kon Tum, mở rộng kết nối với độc giả qua mạng xã hội, website. Tổ chức các đợt đi thực tế, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi với các tỉnh bạn, có môi trường sáng tạo phong phú.

Từ tâm huyết của những người làm nghề không thể không nhắc đến những nghệ sĩ gắn bó lâu năm, tâm huyết với mảnh đất Kon Tum trong sáng tác. Như nhà thơ Tạ Văn Sỹ- người dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, sáng tác và góp phần bảo tồn văn hóa DTTS tại Kon Tum. Gần đây, cuốn sách "Văn học viết Kon Tum" của ông là một công trình có giá trị, như một minh chứng sống động cho hành trình hình thành và phát triển VHNT của tỉnh. Nội dung sách không chỉ đề cập đến các tác phẩm thơ văn, mà còn ghi chép tiểu sử của từng tác giả, bối cảnh sáng tác, nội dung chính và giá trị tư tưởng, nghệ thuật của mỗi tác phẩm. Các chủ đề được đề cập trong sách rất phong phú, bao gồm: tình yêu quê hương, thiên nhiên đất nước, khát vọng tự do, suy tư về thân phận con người và nhân sinh quan của thời đại. Đây là một tác phẩm vừa súc tích, vừa gần gũi, giàu giá trị văn hóa, kiến thức lịch sử, góp phần làm phong phú thêm nền văn học nghệ thuật của tỉnh.

Để phát huy hiệu quả các giá trị văn học, nghệ thuật, trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục có những định hướng, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao chất lượng công việc sáng tác, chú trọng chiều sâu tư tưởng và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển đội ngũ sáng tác trẻ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế thừa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quảng bá VHNT trên nền tảng trực tuyến; kết nối VHNT với các lĩnh vực như giáo dục, du lịch, truyền thông để mở rộng không gian sáng tạo; tăng cường giao lưu, hợp tác với các tỉnh trong nước, biên giới và quốc tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật qua nhiều hoạt động, cuộc thi được tổ chức hàng năm. Ảnh: HT

 

Với những cơ chế, chính sách phù hợp đang được triển khai hiệu quả đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật tỉnh phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Qua đó góp phần phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh các giá trị nhân văn trong đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn.   

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác