Tu Mơ Rông: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng

19/04/2025 06:03

Huyện Tu Mơ Rông có trên 95% dân số là dân tộc Xơ Đăng, với đời sống văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo. Trong nhiều năm qua, UBND huyện có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, qua đó đưa hình ảnh dân tộc Xơ Đăng đến với mọi miền đất nước.

Chúng tôi được ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đưa đi thăm công trình “Dự án Bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và hỗ trợ phát triển du lịch làng Pu Tá” (viết tắt là dự án) đang triển khai xây dựng giai đoạn cuối. Đây là công trình được Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình MTQG) hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 nhà rông, 1 nhà dài, 1 nhà rèn và đường đi trong khuôn viên rộng rãi để tạo việc làm cho từ 50-60 người dân của làng duy trì, bảo tồn các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rèn công cụ lao động sản xuất, đan lát, đồng thời duy trì 1 đội cồng chiêng, múa xoang để gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chị Y Hlạng- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm xã Măng Ri vui mừng khi Chương trình MTQG đầu tư cho bà con Dự án. Trong đó, Tổ dệt thổ cẩm xã có 6 nhóm/6 thôn, với 30 chị em phụ nữ tham gia, người cao tuổi nhất là bà Y Dinh 100 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là chị Y Denh 29 tuổi, đều ở thôn Pu Tá. Hiện nay, sản phẩm dệt ra chủ yếu phục vụ nhu cầu của học sinh người DTTS ở một vài trường học trên địa bàn huyện và du khách. 

Nghề rèn ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: TVP

 

Đội cồng chiêng, xoang xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: TVP

 

Ông A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na kể, trên địa bàn xã hiện còn nhiều hộ dân tộc Xơ Đăng giữ gìn các nghề truyền thống như đan lát, rèn, chế tác các loại nhạc cụ, ná và có nhiều nghệ nhân hát dân ca, giao duyên, múa xoang, đánh đàn t’rưng, klông pút, cồng chiêng. Đặc biệt, xã có 5 đội cồng chiêng ở các thôn Mô Bành 1, Mô Bành 2, Đăk Riếp 1, Đăk Riếp 2, Lê Văng, với tổng số 22 bộ cồng chiêng. Hàng năm, bà con trong xã tham gia đầy đủ các lễ hội, hội thi các nghề truyền thống do các cấp tổ chức và đều đạt kết quả cao.  

Ông Phạm Xuân Quang- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, qua rà soát trên địa bàn huyện có trên 200 bộ cồng chiêng. Các đội cồng chiêng ở các thôn, làng duy trì tốt hoạt động văn nghệ, lễ hội truyền thống; tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang. Đồng thời, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho 2 thôn trên địa bàn huyện. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng trong hệ thống giáo dục được ngành Giáo dục huyện tổ chức hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ, lên lớp.

Huyện hiện có 86/86 thôn có nhà rông (41 nhà rông có sàn gỗ, vách bằng gỗ, mái lợp tôn, trụ bê tông và 45 nhà rông truyền thống được làm bằng nguyên liệu tự nhiên). Tiêu biểu các xã như Đăk Na, Đăk Sao, Tu Mơ Rông có 100% các thôn, làng bảo tồn nhà rông truyền thống. Giai đoạn 2021-2025, huyện sửa chữa, xây dựng mới 12 nhà rông với tổng kinh phí 1,908 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng và nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, nhất là đối với thanh thiếu niên, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong đó, kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội; phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa” bằng việc tổ chức các hoạt động như Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, liên hoan cồng chiêng. Đồng thời, đầy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội với các hình thức văn hóa dân gian như: dân ca, dân vũ, trang phục, hoa văn, nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, UBND huyện chú trọng đầu tư và phục dựng các loại hình nghệ thuật truyền thống, các thể loại dân ca, nhạc cụ dân tộc, một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một và có chính sách, cơ chế khuyến khích đội ngũ nghệ nhân trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, hình thành các mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa cồng chiêng, để góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển du lịch. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhằm kịp thời hạn chế, ngăn chặn và xử lý những biểu hiện làm mai một, đồng hóa về văn hóa truyền thống, nhất là trong công tác trao truyền văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng.  

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác