Người trẻ DTTS bảo tồn văn hóa trên các nền tảng số

19/04/2025 13:19

Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với cộng đồng, nhiều người trẻ DTTS ở thành phố Kon Tum đã sáng tạo ra những sản phẩm video độc đáo đăng tải trên các nền tảng số.
Chị Y Jưng sáng tạo các video giới thiệu sản phẩm thổ cẩm trên mạng xã hội. Ảnh: MV

 

Với sự mạnh dạn và tư duy đổi mới, năm 2022, chị Y Jưng (35 tuổi, ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung) đã đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) lên các sàn thương mại điện tử, tạo ra một kênh tiêu thụ mới đầy triển vọng. Để kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, chị đã chủ động quảng bá và bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: Tik Tok, Facebook. Nhờ đó, các sản phẩm thổ cẩm không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh yêu thích mà còn nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ khách hàng ở các tỉnh, thành khác và cả nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chị Y Jưng đã nghiên cứu và lựa chọn chất liệu vải co giãn, đồng thời, cách tân các trang phục thổ cẩm với những họa tiết, hoa văn sáng tạo, tôn vinh vẻ đẹp của người mặc. Mặc dù có sự đổi mới trong thiết kế nhưng trang phục thổ cẩm vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống của người Rơ Ngao, kết hợp hài hòa giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại. Đến nay, chị đã sản xuất, thiết kế nhiều sản phẩm đa dạng như: Áo váy truyền thống, sơ mi nam, váy cưới, đầm dạ hội, cà vạt.

Chị Y Jưng thường xuyên sáng tạo các video về trang phục thổ cẩm và đăng tải trên mạng xã hội Tik Tok, Facebook thu hút hàng nghìn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận. Nội dung các video xoay quanh về quy trình sản xuất và các công đoạn tạo ra sản phẩm thổ cẩm thủ công; hay là video về những cô gái, chàng trai Rơ Ngao diện trang phục thổ cẩm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng ở Kon Tum. Qua các video, mang đến cho khách hàng cái nhìn chân thực nhất về sự đa dạng của sản phẩm thổ cẩm.

“Từ khi bán hàng trên các trang mạng xã hội, doanh thu đã tăng lên, với hơn 1.500 trang phục thổ cẩm được bán mỗi năm. Các đơn đặt hàng chủ yếu từ các tỉnh như Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước. Điều này không chỉ giúp quảng bá trang phục truyền thống, bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn tạo việc làm cho chị em phụ nữ nơi đây”- chị Y Jưng chia sẻ.

Bắt nguồn từ niềm đam mê âm nhạc, các thành viên Nhóm nhạc dân gian Kaly band (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi) đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để quảng bá và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.

Anh Kaly Tran cùng nhóm nhạc của mình biểu diễn tại các chương trình văn hóa, văn nghệ. Ảnh: MV

 

Anh Kaly Tran (37 tuổi) - Trưởng Nhóm nhạc dân gian Kaly band cho biết: Nhóm đã sử dụng nền tảng Facebook, Tik Tok để tổ chức các buổi live-stream (phát trực tiếp) giới thiệu những màn diễn tấu cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn đá được biểu diễn trong các lễ hội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các buổi live stream, nhóm còn sáng tạo những video về trình diễn nhạc cụ dân tộc đăng tải trên mạng xã hội Youtube. Nhờ đó, không chỉ thu hút sự chú ý của đông đảo người xem mà còn giúp văn hóa truyền thống của dân tộc trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Nhóm nhạc dân gian Kaly band được thành lập từ năm 2015, đến nay đã quy tụ trên 120 thành viên là người dân tộc Ba Na. Tất cả các thành viên đều sinh ra và lớn lên tại các làng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Một trong những điểm nhấn nổi bật của nhóm nhạc là sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc cụ của các dân tộc qua những bài hát như: “Mừng mùa”, “Mừng nhà rông mới” tạo ra tiết tấu âm nhạc mới lạ, được nhiều người đón nhận tại các buổi diễn.

Với sự đa tài và vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa các dân tộc, hầu hết các thành viên trong nhóm nhạc không chỉ thành thạo nhiều loại nhạc cụ mà còn kiêm luôn vai trò ca sĩ.

Nổi bật trong nhóm là anh Kaly Tran. Anh không chỉ thành thạo cách chơi các nhạc loại nhạc cụ, cách chỉnh âm mà còn sở hữu một chất giọng khỏe khoắn, đầy nội lực. Đối với anh, mỗi buổi biểu diễn không chỉ là dịp để thể hiện tài năng mà còn là cơ hội tôn vinh, truyền tải những giá trị văn hóa của dân tộc qua các giai điệu và âm thanh đặc trưng.

“Mỗi nhịp chiêng, mỗi giai điệu mà chúng tôi cống hiến không chỉ là sự bảo tồn mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của nhóm, các bạn trẻ sẽ tiếp bước gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu này, để chúng không bị mai một hay lãng quên” - anh Kaly Tran cho hay.

Có thể nói, các nền tảng số đã trở thành một công cụ hiệu quả để người trẻ DTTS ở thành phố Kon Tum quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, việc quảng bá văn hóa trên các nền tảng số cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.                  

Mai Vàng

Chuyên mục khác