03/12/2024 13:02
Đồng chí Ka Ba Thành- Bí thư Huyện ủy cho biết, sau khi có Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung hướng về cơ sở với việc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nhằm huy động các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia về chính sách tín dụng ưu đãi và từ nội lực trong nhân dân mạnh dạn đầu tư vay vốn, thông qua các nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Theo đó, tính đến tháng 10/2024, toàn huyện có 1.912 hộ đồng bào DTTS vay gần 370 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
|
Theo đó, trong 3 năm qua, toàn huyện xây dựng được 83 mô hình thực hiện Cuộc vận động trên các lĩnh vực về kinh tế. Tiêu biểu là ở xã Đăk Tờ Kan xây dựng mô hình “Trồng cây cà phê vối” tại thôn Kon Hnông, có 5 hộ dân tham gia trồng 1,2ha, được xã hỗ trợ 13,5 triệu đồng; mô hình “Trồng cây cao su” tại thôn Tê Xô Trong có 3 hộ dân tham gia trồng 3ha, được xã hỗ trợ 10 triệu đồng. Đến nay, các mô hình trồng cây cao su và cây cà phê đều sinh trưởng tốt. Đây là những mô hình được người dân học tập kinh nghiệm để thay thế dần việc trồng cây mì có năng suất thấp do đất bạc màu.
Ở mô hình “Trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng” tại thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông, có 66 hộ đồng bào DTTS tham gia trồng trên 2.000 cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, cây sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt. Đây là mô hình tiêu biểu được xây dựng từ năm 2021, bằng nguồn kinh phí nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng của thôn phân chia cho các hộ trong thôn tự nguyện trích ra làm mô hình trồng chung tập thể.
Ngoài ra, đồng bào DTTS huyện còn tham gia nhiều mô hình trồng cây dược liệu quý, cây công nghiệp để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Theo đó, bà con các DTTS huyện trồng được 84,88ha sâm Ngọc Linh, 1.183,64ha cây dược liệu khác; trên 1.700ha cà phê catimo, 120ha cao su, 830ha rừng sản xuất đã cho thu nhập. Ngoài ra, toàn huyện nuôi được trên 6.200 con trâu, 7.560 con bò, 7.400 con heo, 250 con dê, gần 40 ngàn con gia cầm. Trong sản xuất, bà con biết áp dụng khoa học-kỹ thuật, không còn trồng cây theo kiểu “nhờ trời”, chăn nuôi “thả rông”, nên hiệu quả kinh tế cao hơn trước.
|
Thông qua thực hiện Cuộc vận động, nhận thức đồng bào DTTS từng bước có sự thay đổi theo hướng tích cực, biết tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của nhà nước và nguồn lực của gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và từng bước đẩy lùi các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2024, toàn huyện có 1.978 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, chiếm 79,66%; có 2.022 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng và biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, chiếm 81,43%; có 1.340 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, chiếm 53,96%; có 693 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, chiếm 27,72% tổng số hộ của huyện. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,11% năm 2021 xuống còn 30,36% năm 2024.
Bí thư Huyện ủy Ka Ba Thành cho biết, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nội dung, chỉ tiêu của Cuộc vận động, gắn với việc thực hiện các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động khác do các cấp phát động. Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền liên tục, nhằm khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS; hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy phụ trách địa bàn xã, cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, các cá nhân uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng, coi đây là lực lượng xung kích quan trọng trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động để giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với thực tế ở địa phương.
Nguyên Hà