Gỡ nút thắt “giấy chuyển viện”

03/12/2024 13:01

Lâu nay, “giấy chuyển viện” đã và đang là một “nút thắt” về thủ tục hành chính trong “quy trình khám, điều trị và chi trả BHYT” làm nhiều người bệnh bức xúc vì tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nhưng với quy định mới, “nút thắt” này được gỡ bỏ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua chiều 27/11 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong đó, quy định việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Cụ thể là bổ sung quy định, trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến cơ sở y tế tuyến trên mà không cần thủ tục chuyển tuyến, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất.

Theo Bộ Y tế, với quy định này, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế sẽ ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.

Hiện người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải xin giấy chuyển viện hàng năm. Ảnh: H.L

 

Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo, để họ lên thẳng cấp chuyên môn cao được đánh giá là sự "thông cấp khám chữa bệnh", nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi của người dân và tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế.

Thông tin thêm về việc bệnh nhân được lên thẳng tuyến trên điều trị, lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay, các bệnh vượt tuyến lên thẳng tuyến trên là bệnh hiểm nghèo và vượt quá khả năng chuyên môn của các cơ sở y tế tại địa phương.

Theo quy định hiện hành (Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế), người bệnh BHYT khi khám, chữa bệnh nếu cần chuyển lên tuyến trên đều phải xin giấy chuyển viện của cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (theo thẻ BHYT).

Nếu thuộc trường hợp chuyển tuyến đúng tuyến, người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT.

Thông thường, việc này chỉ được cho phép khi bệnh lý đó vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy nhiên trên thực tế, “giấy chuyển viện” đã và đang là một “nút thắt” về thủ tục hành chính trong “quy trình khám, điều trị và chi trả BHYT”. 

Theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hiện có 42 bệnh nằm trong danh mục bệnh hiểm nghèo. Trong đó có một số bệnh như: Ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, bệnh xơ cứng rải rác, suy gan, đột quỵ, hôn mê, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn.

Tuy nhiên, dù là bệnh hiếm, bệnh khó nằm trong danh mục, bệnh viện tuyến dưới không chữa được nhưng người bệnh vẫn phải chuyển tuyến tuần tự, mất nhiều thời gian đi lại và khó khăn với người bệnh.

Chưa kể những phiền hà, vướng mắc nảy sinh trong quá trình xin giấy chuyển viện,  ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh. Điều này khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn, hoặc không có thời gian chờ đợi, bỏ tiền túi đi khám dịch vụ, vừa tốn kém vừa mất quyền lợi về bảo hiểm.

Ngay cả những ca bệnh đang điều trị lâu dài tại tuyến trên vẫn phải tới cơ sở y tế đang ký khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển tuyến hàng năm, dù không còn điều trị.

Vì theo quy định, ngày 31/12 hàng năm là hết hạn giấy chuyển viện được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh buộc phải làm thủ tục xin chuyển tuyến rất vất vả.

Theo quy định mới, người mắc bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên. Ảnh: HL

 

Vì vậy hoàn toàn dễ hiểu khi quy định mới nhận được sự quan tâm và đồng tình của dư luận. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc lên thẳng tuyến chuyên sâu giúp các bệnh nhân thuận lợi hơn trong tiếp cận điều trị, đặc biệt hầu hết là bệnh nặng, chi phí lớn.

Anh Ngô Hoàng Chí T. (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) khẳng định việc gỡ nút thắt giấy chuyển viện là tin vui với những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tôi là bệnh nhân ghép tạng, điều trị ở bệnh viện tuyến trên mấy năm nay. Nhưng hàng năm vẫn phải xin giấy chuyển tuyến của bệnh viện tỉnh. Mỗi lần xin đều phải làm tất cả các bước trong quy trình, như đăng ký khám, xét nghiệm chỉ để lấy giấy chuyển viện, khá phiền phức- anh T. cho hay.

Tuy nhiên, điều anh T. băn khoăn là, hiện đã sắp hết năm 2024, tức sắp đến lần xin giấy chuyển viện cho năm mới, không biết  có cần làm thủ tục gì nữa không, hay có thể đến thẳng bệnh viện tuyến trên để khám, chữa bệnh BHYT.

Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh, bớt phiền hà, giảm chi phí và công sức- anh Ngô Hoàng Chí T. chia sẻ.

Không riêng gì anh Ngô Hoàng Chí T., rất nhiều người bệnh khác cũng có băn khoăn khi luật đưa vào thực hiện sẽ như thế nào và hy vọng khi có hướng dẫn, danh mục bệnh để người bệnh thuận lợi khi khám, chữa bệnh BHYT, không bị gây khó khăn.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, quy định, danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được Bộ trưởng Y tế ban hành.

Được biết, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư ban hành danh sách bệnh hiểm nghèo, là các  bệnh không phải xin giấy chuyển tuyến điều trị, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện phải được tính toán phù hợp, tránh người dân đổ dồn lên tuyến cuối gây quá tải.

Bên cạnh đó Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn kỹ về quy định chuyển viện để người bệnh và bệnh viện có thể áp dụng dễ dàng. Đồng thời, có tính dến việc những bệnh nhân đã điều trị ổn định nên được đưa về y tế tuyến dưới để điều trị tiếp, tránh quá tải tuyến trên.

Dù sao đi nữa, vẫn phải khẳng định rằng, với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, việc gỡ bỏ “nút thắt giấy chuyển viện” thực sự là một tin vui.

Hơn thế, đây còn là hiện thực hóa xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám, chữa bệnh; mở rộng thêm quyền lợi của người tham gia BHYT khi "thông cấp khám chữa bệnh".

Hồng Lam

Chuyên mục khác