04/12/2024 13:36
150m2 đất vườn của gia đình bà Y Bôn (thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) bỏ hoang khá lâu. “Cách đây 3 năm, BĐBP tới nhà vận động bà cải tạo vườn này để trồng rau, ăn không hết thì bán lấy tiền mua đồ ăn khác. Rồi bộ đội hướng dẫn, làm cùng, rào vườn, cho giống rau trồng, nên mới có vườn rau như vậy giờ. Từ đó, bà cũng không phải vào rừng kiếm rau về ăn nữa” – bà Y Bôn nói.
Thượng úy A Bừng - nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng (ĐBP) Đăk Xú cho biết: Đây là mô hình “Vườn rau gia đình” mẫu được ĐBP Đăk Xú và hộ bà Y Bôn triển khai, để bà con trong thôn, trong xã thấy được hiệu quả thiết thực của việc cải tạo vườn tạp để học tập làm theo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước kia, đồng bào DTTS ở đây rất ít trồng rau, nay thì nhà nào có đất là trồng hết, tiêu biểu có hộ A Phó cũng ở thôn Kei Joi còn có thêm thu nhập hàng ngày từ việc trồng 120m2 rau các loại.
|
Để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) trên khu vực biên giới.
Các đơn vị đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động bằng những mô hình giúp dân cụ thể, thiết thực, phù hợp, đem lại hiệu quả, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
Tiêu biểu như mô hình “Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới”. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trích từ nguồn quỹ của đơn vị và kêu gọi nguồn lực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm để mua bò giống; đồng thời chỉ đạo các ĐBP trên cơ sở đàn bò của đơn vị lựa chọn từ 1 - 2 con giống để hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn biên giới. Đến nay mô hình đã phát triển lên 146 con/91 hộ nghèo được thụ hưởng.
Hay các mô hình “Trồng lúa nước 2 vụ”, “Trồng sâm dây, bời lời”, “Nuôi heo sọc dưa”, “Nuôi gà vịt bán công nghiệp”. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng từng địa bàn, các ĐBP triển khai mô hình phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, để vừa tuyên truyền, vận động vừa hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
|
Hiện nay, các mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả đã được nhân rộng trên địa bàn các xã biên giới như mô hình lúa nước 2 vụ tại địa bàn các xã Đăk Plô (Đăk Glei), Sa Loong (Ngọc Hồi), Mô Rai (Sa Thầy); trồng sâm dây tại các xã Đăk Plô, Đăk Nhoong (Đăk Glei); nuôi heo sọc dưa tại địa bàn các xã Đăk Long (Đăk Glei), Sa Loong, Ia Dom (Ia H’Drai).
Các mô hình đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, giúp gần 13.400 hộ đồng bào DTTS tại 99 thôn thuộc 13 xã của 4 huyện biên giới (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai) từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với lực lượng BĐBP, sau hơn 3 năm thực hiện Cuộc vận động đã có trên 15,2% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế, tự vươn lên thoát nghèo bền vững; 36% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và tham gia hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 35% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức trung bình chung của người DTTS trong tỉnh; 36% số hộ có nhà ở kiên cố; 80% số hộ có một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe máy.
Đại tá Lê Minh Chính - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Để giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, BĐBP đã cùng địa phương vào cuộc để hỗ trợ dân, giúp dân có điều kiện phát triển kinh tế. Trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, phần việc như mô hình chương trình bò giống cho người nghèo nơi biên giới, chương trình trồng cao su tiểu điền, lúa nước 2 vụ, đưa đảng viên ở các đội công tác địa bàn xuống phụ trách các hộ gia đình để giúp người dân nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên giảm nghèo, với mục đích là nâng cao đời sống cho bà con cả về vật chất và tinh thần.
Dương Nương