11/10/2024 05:54
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020. Đây có thể coi là mốc thời gian đánh dấu việc nước ta chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử sang giai đoạn tập trung chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Trong hành trình này, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Điều đó cũng nói lên rằng, chuyển đổi số trước tiên là phải chuyển đổi nhận thức.
Vì vậy, nhiều sáng kiến giúp nâng cao nhận thức số cho tất cả người dân, toàn xã hội được triển khai, một trong số đó là Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, được chọn theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 được tổ chức thường niên, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trong toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
Đồng thời thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, nhằm bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Các hoạt động trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm cũng được kỳ vọng giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
|
Ngay Ngày Chuyển đổi số quốc gia đầu tiên (ngày 10/10/2022), tỉnh ta đã hưởng ứng tích cực thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ với triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Tất cả cùng hướng tới mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Công tác tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nội dung tập trung quảng bá, giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về kết quả đạt được, vai trò, lợi ích của chuyển đổi số.
Qua đó, góp phần khuyến khích, vận động toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả chuyển đổi số mang lại.
Trong những năm qua, nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/02/2022 về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã có bước tiến mạnh mẽ.
Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực thi chính sách lẫn đầu tư hạ tầng số, phát triển nền tảng số.
Đã triển khai Kho dữ liệu dùng chung và Kho dữ liệu điện tử cho cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; các cơ sở dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường và nông nghiệp được tích cực thực hiện.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được kết nối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ truy cập, thực hiện việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến bằng tài khoản duy nhất là tài khoản định danh điện tử - VNeID.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 75,11% (cao hơn bình quân cả nước là 65,29%); tỷ lệ cấp kết quả điện tử của tỉnh đạt 67,62% (cao hơn bình quân cả nước là 67,16%); thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Đã kích hoạt 268.472 tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt đạt 75,29%; 86/115 cơ sở y tế đã trang bị thiết bị đọc thẻ căn cước công dân, phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân, ứng dụng VNeID, đạt 74,78%; 175/334 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 52,40%
98,5% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã được đồng bộ và xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Thương mại điện tử, thuế điện tử và hóa đơn điện tử dần phát huy hiệu quả, góp phần chống thất thu thuế.
Hạ tầng số được xây dựng cơ bản đều khắp, với 195 điểm kết nối mạng chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% cơ quan, địa phương có mạng LAN; mạng băng rộng cáp quang phủ đến 50% hộ gia đình; mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh đã thực hiện đến hơn 85% dân số trưởng thành.
Tất nhiên, kết quả ngày hôm nay không phải chỉ được tạo dựng từ khi có Ngày chuyển đổi số quốc gia, mà đó là “trái ngọt” của cả một hành trình dài, với sự nỗ lực và vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của cảhệ thống chính trị và toàn dân.
Và vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số vào năm 2025.
Nhưng kết quả ấy cũng là minh chứng cho thấy Ngày Chuyển đổi số quốc gia, cùng các hoạt động chuyển đổi số cụ thể, đã và đang tác động đến mọi người dân, mang lại những giá trị thiết thực, từng bước giúp người dân hiểu và tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng cụ thể như: Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet; hỗ trợ cài đặt phần mềm VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
|
Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng số, thúc đẩy hạ tầng viễn thông với quan điểm là “Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước”. Việc phát triển hạ tầng số phải toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBNDtỉnh Lê Ngọc Tuấn, thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Cần khắc phục cho được những hạn chế trong chuyển đổi số năm 2023 tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 11/4/2024 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá Chuyển đổi số năm 2023, khối các cơ quan cấp tỉnh, có 19/20 cơ quan xếp loại Khá; 1/20 cơ quan xếp loại Trung bình. Đối với UBND các huyện, thành phố, có 9/10 địa phương xếp loại Trung bình; 1/10 địa phương xếp loại Yếu.
Kết quả trên cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện Chỉ số chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần khắc phục sự chậm trễ trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh còn thấp so với cả nước, nhất là việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn hạn chế, như Kết luận số 1781-KL/TU ngày 9/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ rõ.
Đặc biệt, tiếp tục lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân tham gia sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ số vào các hoạt động đời sống và kinh doanh; lan tỏa ý nghĩa của Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Để Ngày Chuyển đổi số quốc gia thực sự là “ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động”.
Hồng Lam