10/10/2024 13:06
Dù rất khó xử, nhưng sau nhiều ngày dây dưa, cuối cùng ông N. cũng đành phải “nhắm mắt” cho một nửa công nhân của nhà máy nghỉ việc.
Trước đó, dù khó khăn chồng chất suốt mấy năm do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ông N. vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Lý do là "nếu nhà máy ngừng, hàng trăm công nhân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS ở các làng xung quanh sẽ không còn việc làm, không có thu nhập".
Với nỗ lực ấy, gần một trăm lao động của nhà máy vẫn có việc làm trong suốt mấy năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Dù không nhiều, nhưng bữa cơm, manh áo hàng ngày vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên trong làm ăn, tình và lý khó có thể mãi đồng hành. Vài năm gần đây, doanh nghiệp của ông N. đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. “Nếu không bắt nhịp kịp thời, anh sẽ tụt hậu, thậm chí có thể “biến mất” trên thương trường”- ông N. nói.
|
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ đã và đang giải phóng sức lao động, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhưng cũng đòi hỏi lao động có trình độ và kỹ năng vận hành chu trình sản xuất; xử lý thông tin thị trường, khách hàng.
Bởi vậy, khi lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, hầu hết các công đoạn đều tự động hóa, ông N. buộc lòng phải cho nhiều lao động phổ thông nghỉ việc. Một quyết định làm tôi thấy khổ tâm- ông N. than.
Đây cũng không phải là vấn đề của riêng ông N., khi thị trường lao động đang trải qua những biến động lớn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Người lao động buộc phải chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, hợp tác với người khác, quản lý con người để tăng năng lực và cơ hội tìm kiếm việc làm.
Kỹ năng của người lao động được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác, nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó. Kỹ năng giúp người lao động hoàn thành tốt công việc, quyết định tính hiệu quả của công việc.
Trên thực tế, thách thức lớn hiện nay về lao động và việc làm ở tỉnh ta là người lao động thiếu hụt kỹ năng. Tỷ lệ người lao động có nghề và có trình độ (được đào tạo nghề chuyên môn) còn thấp, nhất là số lao động quản lý và kỹ thuật cao.
Sự thiếu hụt các kỹ năng đang là một trong những trở ngại chính đối với khả năng cạnh tranh của lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
Nhân lực là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp rất chú trọng tới công tác tuyển dụng với mong muốn chọn lựa được ứng viên có năng lực.
Nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp phải đào tạo lại hầu hết lao động ở các cấp bậc khác nhau, như học nghề, đại học, sau đại học.
|
Tôi từng làm một khảo sát nhanh với một số chủ doanh nghiệp quen biết và được phản ánh rằng đang trong tình trạng “vừa thừa vừa thiếu lao động”. Trong khi lao động phổ thông khá nhiều nhưng lại không tuyển đủ số lao động đang thiếu, vì không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng.
Ví dụ thế này, nhiều lao động chưa quan tâm tới chất lượng công việc và thiếu kỹ năng giao tiếp; không biết duy trì môi trường làm việc an toàn; thích nghi kém với sự thay đổi cũng như tiếp thu, ứng dụng các thông tin mới- một chủ doanh nghiệp cho hay.
Ngay cả nhóm nghề nghiệp nhân viên văn phòng, lao động trong lĩnh vực dịch vụ và nhân viên bán hàng, doanh nghiệp cũng hạn chế về kỹ năng giao tiếp. Riêng về kỹ năng ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết về tài chính, khả năng sáng tạo và tạo động lực cho người khác thì gần như bị “bỏ qua”.
Đặc trưng chính của những việc làm phù hợp lao động thiếu kỹ năng là có năng suất thấp, mức lương thấp, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, hầu như không có sự đảm bảo về việc làm.
Lực lượng lao động có trình độ thấp và thiếu kỹ năng có thể cản trở tiến trình hội nhập vào những chuỗi giá trị nhiều lợi nhuận hơn, hoặc những việc làm có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị.
Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ- TTg ngày 1/10/2020 quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" được kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ, cả về nhận thức và hành động, cho nỗ lực nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.
Tuy nhiên để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc cần có sự đồng hành, gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và toàn xã hội.
Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, gồm đào tạo thường xuyên và đào tạo lại, cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp.
Đổi mới phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Và cuối cùng, bản thân người lao động cũng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho chính mình.
Hồng Lam