12/10/2024 15:08
Phóng viên: Thưa đồng chí! Ngày huyện Kon Plông hoàn toàn được giải phóng là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, là thắng lợi to lớn của quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Để độc giả hiểu rõ về sự kiện trọng đại này, xin đồng chí hãy chia sẻ về truyền thống chiến đấu anh hùng của quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện?
Đồng chí Đặng Quang Hà: Huyện Kon Plông có vị trí chiến lược quan trọng đối với tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Kon Plông có truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, thật thà, cần cù lao động; anh dũng, bất khuất trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
Trên địa bàn Kon Plông, những cuộc tiến công làm nên chiến thắng Măng Bút, Măng Đen và Kon Prai năm 1954 là chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đầu chuỗi thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự xâm lược, Mỹ đã dựng lên ở miền Nam chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta.
|
Cuối năm 1956, với nhiệm vụ cách mạng đặt ra, huyện Kon Plông mang mật danh là H29. Với ý chí gang thép, tinh thần đấu tranh quật cường, bất khuất, Đảng bộ và nhân dân huyện H29 đã hăng say lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực ở địa phương để chuẩn bị trận địa, tích cực tham gia cùng các lực lượng của tỉnh, của các huyện bạn như H16, H80 và bộ đội chủ lực của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tiến hành bao vây, tấn công địch.
Ngày 20/8/1974, quân ta hoàn toàn giải phóng Măng Bút. Đến ngày 3/10/1974, lực lượng vũ trang huyện H29 cùng với lực lượng H16, bộ đội chủ lực của Sư đoàn 10 và một số binh chủng kỹ thuật của ta nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm nằm phía tây của hệ thống phòng ngự Măng Đen.
Sau 9 ngày liên tục chiến đấu, đến ngày 12/10/1974, quân ta đã làm chủ Măng Đen, giải phóng 1.920 dân. Hai cứ điểm mạnh của địch là Măng Đen và Măng Bút bị ta tiêu diệt, làm cho bọn địch hoảng sợ rút về co cụm giữ một số chốt điểm ở vùng đông bắc thị xã Kon Tum. Huyện H29 hoàn toàn được giải phóng.
Cùng với thắng lợi tại cứ điểm Đăk Pek (huyện Đăk Glei), chiến thắng tại các mặt trận Măng Bút và Măng Đen đã góp phần mở rộng vùng giải phóng đến gần thị xã Kon Tum, tạo thế và lực mới cho chiến dịch Tây Nguyên, mở đường giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Phóng viên: Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã xác định hướng đi như thế nào để vượt lên khó khăn của một huyện miền núi vừa bước ra khỏi chiến tranh và đã đạt được những thành quả quan trọng nào? Thưa đồng chí!
Đồng chí Đặng Quang Hà: Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, như tỷ lệ hộ nghèo rất cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, sản xuất chưa phát triển, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn…
Qua 50 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bộ mặt đô thị cho đến nông thôn của địa phương ngày càng phát triển theo hướng tiến bộ, hiện đại.
Kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững, tổng giá trị sản xuất đến năm 2023 đạt 4.152 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2023 đạt quy mô 470 tỷ đồng và thực hiện 7 tháng năm 2024 đạt hơn 278,8 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng giao thông nối trung tâm huyện với các thôn, làng, nối huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh được đầu tư nâng cấp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng. Nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách của huyện. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng đi vào chiều sâu.
|
Huyện Kon Plông còn khai thác tốt tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện đã thu hút được hơn 1 triệu lượt khách du lịch đến địa bàn.
Hiện nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có 18 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa luôn được chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 11,9% và thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng.
Phóng viên: Huyện Kon Plông không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn nổi bật nhờ tiềm năng du lịch vượt trội. Xin đồng chí hãy chia sẻ về cơ hội phát triển du lịch và thu hút đầu tư trong tương lai của địa phương?
Đồng chí Đặng Quang Hà: Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, huyện Kon Plông có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch khác nhau. Huyện Kon Plông còn nằm trên tuyến Quốc lộ 24 - tuyến đường huyết mạch nối liền Tây Nguyên với Duyên hải Trung Bộ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, tiếp cận các nguồn tài nguyên, khách hàng và nhà đầu tư.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 298/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đến năm 2030 và Quyết định số 1492/QĐ-TTg về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045. Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không quốc gia, đây là bước ngoặt quan trọng, hứa hẹn sẽ mang đến một luồng gió mới cho sự phát triển của địa phương.
Tỉnh Kon Tum cũng như địa phương rất chú trọng đến việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thông qua các chính sách thu hút đầu tư minh bạch và cởi mở. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển du lịch và nông nghiệp, mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ hệ thống giao thông đến các tiện ích du lịch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Kon Plông đang dần khẳng định vị thế của mình như một miền đất hứa cho cả du lịch lẫn đầu tư. Tin tưởng rằng huyện Kon Plông sẽ phát triển trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế hàng đầu của khu vực Tây Nguyên trong tương lai.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Thành