Im lặng là tiếp tay cho bạo lực gia đình

25/11/2024 13:11

Tôi xin gặp luật sư H. nhờ tư vấn cho một trường hợp bị bạo lực gia đình ở nơi tôi sinh sống.

Chị vợ buôn bán rau ở chợ. Tính tình chị xởi lởi, hiền lành, thân thiện nên cả xóm ai cũng quý. Nhưng anh chồng thì lại khác, không chí thú làm ăn, hay nhậu nhẹt say xỉn, thêm chuyện bài bạc, ghen tuông.

Cuộc sống vốn đã khó càng thêm khó. Nhưng nói như chị vợ, khó khăn mấy cũng ráng chịu được, điều đáng sợ là sự bạo hành thể xác và tinh thần từ anh chồng. Thua bài- đánh; nhậu say- chửi, đánh; đi về chưa có cơm ăn- chửi, đánh; nổi cơn ghen- đánh.

Điều đáng nói là chị vợ cắn răng chịu sự bạo hành ấy gần như mỗi ngày trong thời gian dài. Khi mọi người khuyên báo chính quyền hoặc ít nhất cũng báo với tổ chức hội phụ nữ để có biện pháp can thiệp, bảo vệ, chị đều lắc đầu, vì “xấu chàng thì hổ ai”.

Tháng trước, anh chồng nhậu say về đánh vợ, mọi người trong xóm tới can ngăn, rồi kéo chị vợ đến nhà chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn “lánh nạn”. Ai ngờ anh chồng theo tới tận nơi quậy phá, chị vợ không chịu nổi nữa nên bỏ về nhà mẹ đẻ.

Phụ nữ ngày càng phát huy vai trò trong phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: HL

 

Ít ngày sau, chị vợ quay về thì chồng không cho vào nhà. Lúc này, sức chịu đựng có hạn, chị vợ muốn ly hôn, nhưng anh chồng nhất quyết không đồng ý. Tôi muốn nhờ anh tư vấn giúp cho chị ấy- tôi nói với luật sư H.

Luật sư H. nhận lời giúp, nhưng đề nghị được gặp trực tiếp chị vợ để nắm tình hình kỹ hơn, từ đó mới có thể đưa ra lời tư vấn tốt nhất.

Trường hợp như cậu kể tôi đã gặp nhiều. Hầu hết các trường hợp đến đây nhờ tôi tư vấn đều chứng kiến hoặc bản thân gặp phải vấn đề bạo lực gia đình. Họ muốn biết hành vi bạo lực trong gia đình có vi phạm pháp luật không và có cách nào đối phó với bạo lực gia đình- luật sư H. cho hay.

Theo anh, bạo lực gia đình không chỉ là hành vi đánh đập gây thương tích nặng mà còn là hành vi gây ảnh hưởng về tinh thần, sức khỏe, tình dục. Tất cả hành vi này đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Cần phải nhìn nhận một thực tế, những vụ bạo lực gia đình mà dư luận biết đến chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bản chất của bạo lực gia đình là diễn biến âm thầm sau mỗi cánh cửa, rất khó phát hiện nếu không ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng; hoặc không được nạn nhân nói ra.

Không thể phủ nhận rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các luật có liên quan đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Như tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái; xóa bỏ hủ tục; khắc phục định kiến giới. Trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ ngày càng cao, ngày càng hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng. Đào tạo kỹ năng truyền thông, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của hành vi gây bạo lực giới. Thu hút sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó bạo lực gia đình.

Đặc biệt, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11 hằng năm) được tổ chức ở nhiều nơi. Kết quả đạt được là từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bước đầu hạn chế bạo lực gia đình. Đồng thời thúc đẩy các hành động để ngăn chặn vấn nạn này.

Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chính của bạo lực gia đình. Ảnh: H.L


Nhưng có thể thấy, bất chấp những nỗ lực trong việc phòng, chống bạo lực, thể hiện qua các hành lang pháp lý và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, thì bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn khó giải quyết.

Trong mọi hình thức bạo lực giới, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái nhưng họ lại ít được tiếp cận và nhận được dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Nhiều nạn nhân đã âm thầm chịu đựng mà không dám đấu tranh vì tâm lý mặc cảm, tự ti, sợ bị chê cười vì “xấu chàng hổ ai”; sợ gia đình tan vỡ hoặc chấp nhận vì con cái. Đôi khi, có trường hợp gửi đơn lên chính quyền và ngành chức năng nhờ can thiệp, nhưng ngay sau đó lại lên xin rút đơn.

Điều đáng ngại là dường như  người ta càng ngày càng thờ ơ trước vấn nạn bạo lực gia đình và coi đây là vấn đề riêng tư, là chuyện “sau cánh cửa” của mỗi gia đình.

Khi chứng kiến hành vi bạo lực, nhìn chung là khuyên ngăn lấy lệ, thấy đối tượng hung hãn quá thì nhượng bộ, năn nỉ, ve vuốt; hoặc giữ thái độ thờ ơ quan sát. Chính cách cư xử này đã làm cho bạo lực gia đình có thêm điều kiện thuận lợi để gia tăng.

Bên cạnh đó, có một số nơi, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa ưu tiên giải quyết bạo lực gia đình mà chủ yếu vẫn nghiêng về hòa giải. Vì vậy, bạo lực gia đình vẫn có cơ hội tái diễn.

Để chấm dứt việc này, hơn ai hết bản thân người bị bạo hành phải lên tiếng. Nếu im lặng có nghĩa là chấp nhận chịu đựng bạo lực. Nạn nhân nên nhờ hội phụ nữ tại nơi sinh sống, chính quyền địa phương, thậm chí công an bảo vệ mình và đồng thời xử lý người vi phạm.

Bên cạnh đó, những người gặp hoặc chứng kiến bạo lực, dù không phải trong gia đình mình không nên thờ ơ, im lặng, mà hãy báo với chính quyền địa phương, hoặc cơ quan công an gần nhất.

Bởi im lặng chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, thậm chí là tiếp tay cho hành vi sai trái này.

Hồng Lam

Chuyên mục khác