14/10/2024 06:15
Đạo đức của người làm báo có thể hiểu là những nguyên tắc, những quy định về hành vi đạo đức của nhà báo, được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất đó là: đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo. Một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng, ngoài trình độ chuyên môn phải là người có phẩm chất đạo đức tốt và có đạo đức nghề nghiệp.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, đạo đức là cái gốc, là cơ sở nền tảng của người cách mạng. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Theo Bác, tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề của người làm báo thể hiện trước hết ở ý thức, trách nhiệm trong từng bài báo, ở mỗi câu viết.
|
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng báo chí là một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng. “Nghề báo là nghề cao quý nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề báo, ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định số 483 về Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Quy định này không chỉ tạo hành lang pháp lý mà còn khẳng định tầm quan trọng của yếu tố đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong hoạt động báo chí.
Có thể thấy, việc giữ gìn đạo đức của người làm báo có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì người làm báo chắc chắn sẽ suy nghĩ và hành động theo quyền lợi cá nhân của mình, bất chấp sự thật và sẵn sàng vượt qua ranh giới những quy chuẩn đạo đức chung của nghề nghiệp đã được quy định.
Trên thực tế, hằng ngày, hằng giờ, đội ngũ người làm báo trong cả nước nói chung và đội ngũ những người làm báo Kon Tum luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động cần cù, sáng tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cả đạo đức cách mạng. Hầu hết, các cơ quan báo chí luôn quan tâm đến công tác quản lý, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ phóng viên, cộng tác viên nhằm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ở Báo Kon Tum, với vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, 33 năm kể từ ngày thành lập đến nay (14/10/1991-14/10/2024), cùng với việc nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và hình thức tờ báo, công tác quản lý đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động, xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa người làm báo cũng luôn được coi trọng. Trong đó, việc quan tâm rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người lao động được đặt lên hàng đầu. Qua đó, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân trong tỉnh.
|
Phát huy vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, những người làm báo ở Báo Kon Tum luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; thông tin, phản ánh chân thực, kịp thời đời sống xã hội, thành tựu phát triển của tỉnh, những nhân tố mới, mô hình hay. Qua đó, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống.
Điều đó, thể hiện rõ qua cách ứng xử của mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp như không gây phiền hà, sách nhiễu cơ sở, doanh nghiệp; không để bị lợi dụng, bị tha hóa trước những cám dỗ vật chất, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Trong từng tác phẩm báo chí luôn phản ánh thông tin đa chiều, trung thực, khách quan, mang tính xây dựng theo đúng tôn chỉ mục đích của báo đảng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự cạnh tranh thông tin mạnh mẽ, có những nhà báo không giữ được bản lĩnh, xa rời tôn chỉ dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật. Trong đó, nổi bật là hiện tượng lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí để thực hiện hành vi trục lợi, phản ánh thông tin một chiều, thiếu chính xác, không đúng sự thật, đôi khi phê phán thiếu tính xây dựng...
Ngay tại tỉnh ta, có một số ít người tự xưng là phóng viên, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí cũng có hành vi vi phạm quy định, đạo đức người làm báo.
Điều đó cho thấy, việc gìn giữ, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người làm báo là vấn đề hết sức quan trọng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về lập trường, quan điểm, trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện được điều này, bên cạnh công tác quản lý, giám sát của các cơ quan báo chí, hơn ai hết, bản thân mỗi người làm báo phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm giá người cầm bút, tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp.
Thiên Hương