15/10/2024 06:03
Cũng như bao người dân của thành phố trẻ này, hàng ngày tôi vẫn đi trong lòng phố xá.
Nhiều khi vội vã băng băng trên con đường quen thuộc mà trong đầu chen chúc, ngổn ngang những tính toán, lo toan. Nhiều khi cũng thư thả, chầm chậm chạy xe lòng vòng qua một lèo những con phố và cảm thấy tự hào vì kịp nhận ra những biến đổi cả bề rộng lẫn chiều sâu của phố núi.
Nhưng trong cảm xúc ấy, tôi vẫn thấy băn khoăn- và hẳn rằng không chỉ mình tôi- về chuyện chợ tạm trên phố.
Mới ít ngày không để ý, chiều qua tôi bỗng giật mình khi nhận ra ngay ngã ba đường gần nhà đã hình thành một cái chợ tạm với 4- 5 quầy hàng, bán đủ thứ, từ tương cà, mắm muối đến cá, thịt, rau củ.
Gọi là quầy hàng cho “oách”, chứ thực ra chỉ là vài mảnh gỗ ghép tạm thành bàn, mấy chậu nhựa, hoặc đơn giản chỉ là tấm nilon trải xuống vỉa hè.
Ban đầu chỉ có chị hàng rau lịch kịch dọn ra bán, vì nghe đâu “bị đuổi” dưới chợ lớn gắt quá nên phải tìm một địa điểm bán hàng mới. Dần dà, có thêm mấy chị bán cá, bán thịt heo, bán hàng khô, bán trái cây cũng tìm về đây căng bạt, bày hàng.
Thế là xóm tôi bỗng dưng… có chợ!
|
Từ khi hình thành, “chợ xóm” thu hút khá đông các bà nội trợ, không chỉ trong xóm mà ở các khu dân cứ gần đó. Hàng ngày, cứ vào buổi trưa và chiều là hoạt động nhộn nhịp, xe máy để tràn cả ra đường.
Lý do rất đơn giản, nếu được hỏi thì mười bà nội trợ đều có chung một câu trả lời: Do tiện đường đi làm về nên tôi tranh thủ ghé vào mua thức ăn, vừa tiện lợi, vừa nhanh, giá lại rẻ hơn. Chẳng mấy người quan tâm đến chất lượng hàng hóa hay băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm.
Đem chuyện “chợ xóm” cho anh bạn làm ở phường nghe, anh thừa nhận rằng ngay trên địa bàn phường, kiểu chợ tạm tự phát như vậy không ít, dù chính quyền đã tốn không ít công sức để tuyên truyền, giải tỏa.
Đây là hình ảnh quen thuộc trên nhiều tuyến phố hiện nay. Chỉ cần dạo qua một số tuyến đường chính như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ đều thấy xuất hiện chợ cóc, chợ tạm. Chưa kể đến xe hàng, gánh hàng bày bán nhiều ngã ba, ngã tư, khu dân cư.
Người ta chiếm dụng vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường, bày bán đủ loại thực phẩm từ rau, củ, quả đến thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, hải sản.
Về mặt lý thuyết, gọi “chợ tạm” là ý rằng, chợ ấy chỉ để tạm trong lúc chỉ có chợ chính thức; gọi “ chợ cóc” là nói đến chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không nằm trong quy hoạch và có thể “nhảy cóc” các nơi, khi những người bán hàng muốn đổi chỗ.
Như vậy, dẫu là “tạm” hay là “cóc” thì chợ ấy cũng không thể là nơi buôn bán lâu dài, ổn định. Vậy nhưng những gì đang diễn ra ở các tuyến phố hiện nay cho thấy, đây thật sự không còn là “chợ tạm”, bởi người bán hàng không hề có ý “bán tạm” hay “nhảy cóc”, mà bán cố định, lâu dài.
Cũng không phải tự nhiên phát sinh ra chợ tạm, không phải tự nhiên mà nó tồn tại được lâu dài. Nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen của người tiêu dùng, thích mua sắm đơn giản, nhanh, tiện; ngại vào chợ hay siêu thị chỉ để mua bó rau hay quả chanh, củ hành. Một khi có cầu ắt sẽ có cung.
Lâu nay, người dân thành phố, bất kể là “giới” cán bộ, viên chức nhà nước hay công nhân, người lao động, đều có thói quen khó bỏ là tranh thủ thời gian giữa buổi, hoặc cuối buổi đi làm về, ghé vào chợ mua thức ăn. Và việc mua bán ấy càng nhanh, càng tiện càng tốt.
Ở ta, người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, nhất là xe máy, do đó, nếu mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại thì hơi phiền phức, phải gửi xe, vừa mất thời gian lại tốn tiền.
Ngược lại, các quầy hàng, chợ cóc, chợ vỉa hè có thể đáp ứng nhu cầu “tiện đâu mua đấy”. Người mua có thể dựng xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, ghé vào vài phút là xong, đáp ứng tiêu chí “nhanh, gọn, tiện”.
Thậm chí, khi mua ở chợ tạm, chợ cóc, người mua có thể ngồi luôn trên xe, người bán sẽ đem ra tận nơi. Rất tiện cho những người mua đồ khi đang chở con nhỏ hoặc chở hàng trên xe.
|
Sự tồn tại của các chợ cóc, chợ tạm làm nảy sinh rất nhiều bất cập, đó là lấn chiếm hè phố, gây ách tắc, cản trở giao thông; đó là gây ô nhiễm môi trường bởi người bán thiếu ý thức, vứt rác thải bừa bãi; đó là làm mất mỹ quan đô thị do cách thức hoạt động lộn xộn, tùy tiện, gây mất vệ sinh.
Ðây cũng là “đối tượng” có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, do cơ quan chức năng khó có thể quản lý về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Chợt nhớ, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm từng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Kon Tum trong nỗ lực xây dựng trật tự và văn minh đô thị. Chính quyền từng nhiều lần ra quân với quyết tâm xóa chợ tạm. Nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu, vì cứ lúc có lực lượng chức năng đi qua, “chợ” lại thành đường thông, hè thoáng. Lực lượng chức năng đi rồi, mọi thứ đâu lại hoàn đó. Lại ồn ào, mất trật tự, lại ách tắc giao thông, xả rác ra đường.
Có thể nói rằng, chính tâm lý thích “nhanh, gọn, tiện” của người mua đã góp phần quyết định khiến tình trạng chợ cóc, chợ tạm khó được giải quyết triệt để.
Chính quyền nỗ lực lập lại trật tự đô thị, còn người bán chỉ đơn giản là mưu sinh. Đã đến lúc cần có giải pháp hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen mua sắm của một bộ phận người tiêu dùng.
Bởi khi người mua vẫn muốn tiện lợi nhất, vẫn muốn “ngồi trên xe vẫn mua được hàng” thì vẫn có người sẵn sàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng.
Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến việc bố trí các điểm chợ dân sinh phù hợp để người dân có nơi mua bán, trao đổi hàng hóa thông dụng, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống.
Thành Hưng