“Bước đệm” giúp phụ nữ thực hiện ý tưởng khởi nghiệp

13/10/2024 13:10

Bằng các việc làm thiết thực, các cấp hội phụ nữ đã tạo “bước đệm” giúp chị em phụ nữ thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Chị Y Trường (dân tộc Gié – Triêng, ở Khối phố 4, huyện Đăk Tô) nói rằng, nếu không có sự tác động, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, có lẽ, ý tưởng phát triển các sản phẩm thổ cẩm của chị chưa thể “nảy mầm”.

Vốn đam mê nghề dệt thổ cẩm, chị Y Trường luôn trăn trở khi thấy nghề dệt dần mai một ở các thôn làng. Chị suy nghĩ “sao mình không phát triển nghề dệt truyền thống, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và vừa tạo ra thu nhập”. 

Ý tưởng được chị Trường giữ mãi trong lòng vì thấy mông lung, mơ hồ, chưa biết bắt đầu từ đâu. Cho đến khi được các cấp hội phụ nữ biết đến, ý tưởng của chị Trường mới được nảy mầm và lớn dần lên.

Chị Y Trường tại cửa hàng bán sản phẩm. Ảnh: H.T

 

“Các cấp hội phụ nữ thường xuyên ghé đến động viên, đôn đốc, giúp mình viết ý tưởng. Cùng với đó, tạo cơ hội cho mình tham gia các lớp tập huấn hỗ trợ khởi nghiệp, các diễn đàn khởi nghiệp nên mình hiểu được cách viết ý tưởng, đưa ý tưởng vào hiện thực”- chị Y Trường chia sẻ.

Qua các buổi tập huấn, được hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, chị Y Trường tự tin hơn trong việc triển khai thực hiện. Và rồi, Dự án Dệt sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên được hình thành và phát triển từ tháng 6/2024.

Bắt đầu triển khai thực hiện, trên các khung cửi, 3 thành viên (chị Y Trường và mẹ, dì) cùng làm các sản phẩm quần áo từ thổ cẩm. Chị cho biết, hiện nay đang chủ yếu thực hiện dệt 3 sợi và hướng dần đến dệt 2 sợi để đảm bảo chất lượng, bền, đẹp. Với sản phẩm đẹp, bền, an toàn với sức khỏe, môi trường, từ tháng 6 đến nay, dự án đạt tổng doanh thu khoảng 100 triệu đồng.

Hiện nay, khâu dệt giăng được thực hiện tại thôn Dục Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi và chị Y Trường mở một cửa hàng bán sản phẩm tại khối phố 4, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô với mong muốn phát triển các kênh bán hàng để sản phẩm được nhiều người biết đến, hướng đến mục tiêu cùng chung sức giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Tham gia cuộc thi khởi nghiệp, chị Huỳnh Thị Loan (Tổ 2, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) không nghĩ có ngày mình tự tin trình bày ý tưởng trước mọi người. Từ năm 2021, nhận thấy quả dứa có nhiều tác dụng tốt, chị nghĩ ra và bắt đầu làm bánh từ quả dứa và bán tại một quán cà phê trên địa bàn thành phố Kon Tum. Sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, tuy nhiên, lượng khách chỉ bó hẹp ở quán cà phê, chưa được mở rộng.

“Tôi vẫn có ước mơ sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến, có bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, thực sự ban đầu tôi rất mơ hồ nên ý tưởng vẫn mãi là ý tưởng”- chị Loan kể.

Qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ, biết được ý tưởng của chị Loan, Hội LHPN phường Quyết Thắng đã kịp thời động viên chị mạnh dạn, tự tin tham gia các cuộc thi để biến ý tưởng thành hiện thực. Chị Lê Thị Kim Trâm – Chủ tịch Hội LHPN phường Quyết Thắng cho biết, Hội LHPN phường Quyết Thắng đã hỗ trợ chị Loan cách viết ý tưởng khởi nghiệp và giới thiệu các cuộc thi khởi nghiệp để chị có cơ hội đưa sản phẩm phát triển hơn nữa.

Chị Huỳnh Thị Loan thuyết trình về sản phẩm. Ảnh: HT

 

Với sự động viên, hỗ trợ ấy, chị Loan mạnh dạn, tự tin thể hiện ý tưởng của mình; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bánh làm ra và hướng dần đến đưa sản phẩm đi tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Chị hi vọng, các cấp hội phụ nữ sẽ tiếp tục kết nối, giới thiệu cho chị biết đến các vùng nguyên liệu dứa trên địa bàn tỉnh để có được nguyên liệu đảm bảo, góp sức làm nên sản phẩm chất lượng.

Không riêng chị Trường, chị Loan, nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, các cấp hội phụ nữ đã đồng hành với phụ nữ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài việc phát động Cuộc thi khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ Kon Tum khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa và chuyển đổi xanh", các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ 3 hội viên phụ nữ đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh.

Để các chị em tiếp cận, hiểu và mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế,  các cấp hội đã tổ chức 5 lớp tập huấn về hỗ trợ  ứng dụng khoa học công nghệ cho các mô hình kinh tế tập thể, hướng dẫn việc tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất cho cán bộ hội  các cấp; tập huấn về xây dựng kế hoạch kinh doanh và xây dựng sản phẩm OCOP; hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, các cấp hội phụ nữ cũng thành lập và ra mắt 2 hợp tác xã, ra mắt 6 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hỗ trợ xây dựng 7 dự án phát triển sản xuất, đăng ký đề nghị với Trung ương Hội LHPN Việt Nam xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024.

Với những hoạt động hỗ trợ kịp thời, thiết thực, Hội LHPN các cấp đã và đang tạo điều kiện, môi trường để chị em phụ nữ biến ý tưởng thành hiện thực, phát triển kinh tế, tạo thu nhập bền vững cho chính mình.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác