Người dân xã Hoà Bình đang “đùa” với… điện

29/03/2017 14:30

​Muốn có điện, người dân tự bỏ tiền mua dây, dựng cột gỗ, tre; kéo đường dây dài 400- 500m về nhà. Sau nhiều năm sử dụng, hệ thống đường điện tự tạo đã xuống cấp, dây điện như một mớ mạng nhện sà ngay xuống đầu; cột điện có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, hàng trăm hộ dân đang hằng ngày “đùa” với… điện.

Thực tế trên không phải diễn ra ở địa phương vùng sâu vùng xa nào mà ở ngay tại một xã nông thôn mới của thành phố Kon Tum - xã Hoà Bình.

Khổ vì điện

Thôn 1 nằm rất gần UBND xã, sát bên Quốc lộ 14, đường trong thôn đã được bê tông hoá phẳng lì, nhà cửa người dân xây dựng khang trang, nhưng hệ thống dây điện thì vô cùng đáng sợ.

Vì đường dây điện do Nhà nước đầu tư mới chỉ đến giữa thôn nên hơn 40 hộ dân phía trong phải tự bỏ tiền mua dây, dựng cột tạm, tìm mọi cách để kéo điện về nhà; hộ xa nhất phải kéo đường dây tới gần nửa cây số.

Từ điểm cột điện cuối cùng, một loạt các dây điện đủ màu trắng, xanh, đỏ được mắc trên các khúc gỗ, tre tạm bợ, mục nát; thậm chí được vắt ngay trên bờ rào dây thép, cây mọc bên đường, nằm trên mái tôn... Nhìn cảnh này khiến người đi lại không khỏi rùng mình.

Đường dây điện vào các khu dân cư của thôn Kép Ram nằm vắt ngay trên bờ rào. Ảnh: T.H

 

Ông Từ Văn Dần - Trưởng thôn 1 cho biết: Khoảng 17 năm nay, các hộ dân này đã phải sống chung với cảnh đường điện tạm bợ, mất an toàn. Cột điện dựng bằng tre, gỗ nên trải qua mưa nắng bị mục nát và liên tục gãy, đổ. Mỗi khi cột điện đổ, người dân lại huy động nhau dựng cái cột mới, nhưng cũng chẳng được bao lâu; chỗ nào không dựng được hoặc không kịp dựng thì người ta vắt tạm lên cây cối ven đường, bờ rào. Nhiều gia đình muốn vào được nhà phải cúi người qua mớ dây điện bùng nhùng, vô cùng nguy hiểm; chưa hết, hằng ngày trẻ con trong làng đi học, người dân đi làm đều phải đi qua khu vực này. Người trong xóm, người ngoài làng, ai cũng nơm nớp lo sợ dây điện bị đứt, cột đổ bất cứ lúc nào; mỗi khi có mưa gió lớn, việc đi lại dưới đường dây điện không khác nào đùa với tử thần. 

Theo các hộ dân sống ở khu vực này, do dây nhỏ, tải xa nên những hộ gia đình ở cuối xóm điện rất yếu, không ổn định, hao phí đường dây lớn. Cứ mỗi lần mưa gió là cả xóm mất điện, nhất là vào mùa mưa, người dân thường xuyên phải sống trong cảnh mất điện triền miên.

Ở thôn Kép Ram tình trạng lưới điện cũng bất cập chẳng kém thôn 1. Từ trục đường dây chính, các gia đình ở trong xóm cũng phải tự túc dựng cột, kéo dây về nhà, có hộ phải kéo đường dây dài tới 700 – 800m. Đa phần các cột tạm sau một thời gian phơi mưa phơi nắng đã bị mục, gãy; người dân đành mắc tạm dây điện trên bờ rào; các dây chồng chéo lên nhau; đi qua vườn cây, bụi rậm. Thực tế, đã có nhiều người đối mặt với tình huống nguy hiểm khi đi qua những đoạn đường điện tạm bợ này.

Bí thư chi bộ A Ban nhớ lại: Cách đây không lâu, trời giông gió làm dây điện sà xuống giữa đường, trời lại tối nên hai thanh niên trong làng đi qua đã vướng phải dây điện, may mà thoát chết. Năm trước, con nhà A Thức cũng chơi cạnh đường điện đụng trúng chỗ dây hở làm thằng bé bị giật, rất may là nó không sao.

Không riêng gì thôn 1 hay Kép Ram, mà ở xã Hoà Bình tình cảnh đường dây điện tự kéo chằng chịt, tạm bợ, nguy hiểm diễn ra ở cả thôn 4, 5, Plei Dơng, Plei Chor…

Đùa với điện đến bao giờ

Ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hoà Bình cho biết: Hoà Bình là xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống đường dây điện hạ thế nhiều nơi chưa được đầu tư, người dân phải tự kéo nên rất tạm bợ, khoảng cách xa gây mất an toàn trong sử dụng điện. Người dân thì không có khả năng để tự đầu tư hệ thống đường điện bài bản; mặt khác, họ cũng là khách hàng của ngành Điện mà không được quan tâm nên bà con rất bức xúc, nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã; xã cũng đã ý kiến lên với ngành chức năng để xem xét đầu tư nhưng mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Mỗi lần kiến nghị lên, xã đều nhận thông báo rằng chưa có nguồn vốn đầu tư nên ngành Điện khuyến cáo bà con chú ý sử dụng điện an toàn.

Hiện nay, với những hộ dân đang sống chung với lưới điện không an toàn thì cách mà nhiều người tự bảo vệ mình là dây đứt, hở thì nối lại rồi cuốn băng keo cho kín; cột đổ thì dựng lại; nhắc nhở con cháu tránh xa đường dây điện... Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính chất đối phó tạm thời chứ không thể nói là ổn được.

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Đình Giáp – Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Điện lực thành phố Kon Tum cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận lưới điện từ địa phương, chúng tôi đã đi kiểm tra, khảo sát lại toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn, lập bản vẽ, đề xuất xin kinh phí. Trên thực tế, chúng tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn của bà con sống ở những khu vực chưa có đường dây điện hạ thế phải tự kéo điện, nhưng hiện tại nguồn vốn hằng năm có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư trên địa bàn thành phố lại lớn nên đơn vị đành phải ưu tiên cho những điểm bức xúc nhất. Năm 2017, đơn vị đã xin kinh phí bổ sung để đầu tư cho hệ thống lưới điện thôn 1 của xã Hoà Bình, nếu được sẽ thi công trong năm nay; còn các thôn khác bao giờ mới đầu tư được thì chúng tôi cũng không thể trả lời chính xác, bởi vấn đề này ngoài tầm tay của đơn vị.

Khi chúng tôi hỏi thêm nếu không may trong quá trình sửa chữa, sử dụng điện xảy ra sự cố gây thiệt hại về mạng người thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai hay người dân tự làm thì tự chịu, anh Lê Đình Giáp giải đáp rằng: Theo quy định của Luật Điện lực, đường dây sau công tơ là do người dân quản lý, ngành Điện chỉ cảnh báo nên với những đoạn đường điện người dân tự kéo thì rõ ràng mọi vấn đề người dân đều tự chịu trách nhiệm.

Điện là nhu cầu thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thiết nghĩ, trong khi bài toán về vốn vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn thì ngành chức năng cũng cần tìm biện pháp để nâng cao hơn độ tin cậy cung cấp điện; hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật sử dụng điện an toàn, không thể để tình trạng trên kéo dài mãi, rất nguy hiểm.

Thiên Hương

Chuyên mục khác