Củi bên hiên nhà

01/12/2024 13:00

Ở làng, vẫn còn nhiều gia đình dùng bếp củi. Vì vậy, bên hiên nhà, ta vẫn thấy xếp ngay ngắn những bó củi khô. Nhìn hình ảnh bình dị ấy, lại thấy nhớ sao những bó củi bên hiên nhà của ba.

Sau một ngày ở rẫy với bộn bề công việc, dù rất mệt nhọc nhưng chiều về, anh A Man- một người đàn ông Gié-Triêng hiền lành, chất phác vẫn không quên gùi những khúc củi khô về nhà để dành nhóm bếp trong ngày mưa phùn gió lạnh. Anh nói với tôi, đã thành thói quen, mỗi ngày đi rẫy về, nếu không có nông sản đem về thì bao giờ cũng có những khúc củi.

Đây là thứ quen thuộc nhất, thường thấy nhất ở trong những chiếc gùi to của bà con người Gié - Triêng ở xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei mỗi khi đi rẫy về.

Tôi đi theo A Man về nhà anh nằm cuối con dốc. Căn nhà có vách bằng ván, nhưng được lắp ghép tỉ mỉ, chắc chắn, cảm giác mùa Đông sẽ không có chút gió nào len lỏi vào được. Ngay khi bước vào cổng, hình ảnh đầu tiên hấp dẫn ánh nhìn của tôi là những bó củi được xếp ngay ngắn bên hiên nhà.

Củi bên hiên nhà. Ảnh: SC

 

Anh A Man nói, số củi này được anh gom nhặt trên rẫy rồi gùi về dần. Sau đó chặt, chẻ từ khúc lớn thành từng thanh nhỏ gần đều nhau, xếp ngay ngắn bên hiên nhà vừa để che chắn gió, vừa để khi nào cần thì mang ra dùng. Rồi anh chỉ tay về hướng những ngôi nhà xung quanh nói thêm: Ở đây, nhà nào cũng trữ củi như vậy, chứ chẳng riêng nhà mình. Thói quen từ bao đời nay của đồng bào Gié-Triêng là vậy.

Nghe anh nói, tôi thấy nhớ sao hình ảnh ba lui cui chặt cành cây trong vườn, phơi khô, bó lại thành bó, xếp bên hiên nhà để dự trữ củi cho mùa Đông mưa gió ủ ê. Hình ảnh ấy vốn đã in sâu trong ký ức của tôi từ những ngày thơ ấu. Lớn lên, chuyện học hành, công việc cứ cuốn tôi đi mải miết, hàng ngày không nhớ tới, giờ được đánh thức, thấy nhớ nhung da diết.

Nhưng tôi vẫn biết, bao nhiêu năm qua, cho đến bây giờ ba vẫn giữ thói quen trữ củi bên hiên nhà. Thói quen ấy của ba bắt đầu từ thời còn trẻ. Ngày ấy, ở quê tôi, nhà nào cũng dùng bếp củi. Vì vậy mà củi đã trở thành thứ thiết yếu đối với mỗi gia đình. Hễ rảnh rỗi một chút là mọi người lại rủ nhau lên rừng kiếm củi. Đàn ông thì đi kiếm những khúc cây to; còn chị em phụ nữ thì đi nhặt nhạnh những cành củi khô nhỏ hơn.

Khi đem về, những cành củi nhỏ thì mang ra nhóm bếp trước, những khúc cây to được phơi khô rồi dùng rìu chẻ thành từng thanh nhỏ để dành đun nấu bánh chưng, bánh tét ngày tết hay khi nhà có đám tiệc.

Ba tôi thì đỡ vất vả hơn trong việc trữ củi. Vì quanh nhà có hẳn một vườn dừa, mỗi khi tàu dừa rụng, ba dùng dao rọc lá rồi bó lại để dành nhóm bếp; còn phần sống của tàu lá dừa thì chặt thành từng đoạn, chẻ ra rồi đem phơi khô. Khoảng vài ba nắng, củi dừa khô, ba xếp gọn vào hiên. Cả một vườn dừa chứ đâu có ít, nên lượng củi trữ bên hiên nhà tôi lúc nào cũng nhiều, dùng qua một mùa Đông mà vẫn còn.

Chỉ gần tết, ba mới phải đi kiếm củi gộc (thân cây, gốc cây to) về trữ sẵn để nấu bánh chưng bánh tét, vì củi dừa bắt lửa nhanh nhưng cũng rất nhanh tàn, không nấu bánh được.

Gùi củi về nhà. Ảnh: S.C

 

Tôi nhớ, những năm học cấp 2, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, nhà tôi cũng mở rộng diện tích trồng đào ở vùng đồi núi. Rẫy ở cách nhà khá xa, phải đi hàng giờ đồng hồ mới tới, nhưng mỗi khi được nghỉ học, tôi cùng mấy đứa bạn thân trong xóm lại rủ nhau đạp xe lên đây hái đào chín để chấm muối ăn.

Mỗi đứa hì hục đạp những chiếc xe đạp cà tàng tới chân núi rồi dựng xe dưới những tán cây xòe rộng tỏa bóng mát để tiếp tục hành trình cuốc bộ lên những con dốc cao.

Tuổi nhỏ ham vui, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ nhặt củi khô đem về. Lúc lên thì dễ, lúc xuống mới khó, vì đường dốc cao, nhất là còn phải mang theo bó củi. Có hôm lấy nhiều củi, chúng tôi phải thay phiên nhau hì hục vác từ trên rẫy xuống chỗ để xe đạp. Rồi đứa đỡ xe, đứa chất củi, đứa cột dây thun, phải làm sao cột bó củi thăng bằng cho dễ chở.

Cái thời đi lấy củi ở núi là một trời kỷ niệm với tuổi thơ tôi!

Củi mang về để ở khoảnh sân trước nhà, rồi ba phân loại xếp gọn gàng vào hiên. Củi to ba để dành cho mùa Đông hoặc mùa tết đến nấu bánh chưng, bánh  tét; còn củi nhỏ ba mang vào bếp để đốt dần.

Dù sau này, trong nhà bếp gas, bếp điện đều có nhưng ba má vẫn thích nấu bếp củi. Má nói, mùi bếp củi thân thương, ấm áp, nhắc bản thân luôn nhớ về những ngày tháng khó khăn.

Nhất là vào những ngày mùa Đông lạnh giá, ba má thức dậy thật sớm để nhóm bếp củi nấu nước chế đầy vào những chiếc phích giữ ấm để dùng cho cả ngày. Bữa sáng của cả nhà vẫn được má nấu trên bếp củi. Có khi má nấu nồi khoai lang, có khi lửa than tốt thì má nướng mấy chục bánh tráng cho vào bao để dành ăn dần.

Bây giờ, vườn dừa nhà tôi cây nào cây nấy đã cao chót vót. Lâu lâu ba thuê người hái dừa sẵn chặt luôn những bẹ lá dừa đã ngả màu vàng xuống để rọc lá, chẻ củi. Bên hiên nhà, những đống củi dừa vẫn được ba xếp ngay ngắn như đã xếp bao năm qua.

Trong buổi chiều mênh mang gió lạnh, ngồi trò chuyện với anh A Man về việc trữ củi, lại thấy nhớ cồn cào những bó củi của ba bên hiên nhà.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác