30/08/2023 13:03
Trong đó, tôi chú ý tới những bức ảnh chụp vội bằng điện thoại của một cô giáo về ngày tựu trường ở biên giới xa xôi.
Mở những bức ảnh, tôi cố hình dung lại ngôi trường tiểu học nằm dưới tán rừng, cách biên giới chưa tới 3km. Nơi có những giáo viên phải dậy từ 5 giờ sáng để đi đón học sinh.
Mấy hôm trước, qua zalo, cô nói sẽ về thành phố Kon Tum thăm nhà, tranh thủ đặt mua ít đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi gọi điện hẹn gặp, nhưng cô hẹn dịp khác vì “đang bận chuẩn bị cho ngày học sinh đến trường”.
Hôm nay hẳn là vui tươi, nhộn nhịp lắm nhỉ? Tôi hỏi.
Dạ, sau mấy tháng hè, các em học sinh náo nức lắm anh. Trong tuần này, giáo viên chủ yếu hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh trường lớp, tập văn nghệ, ôn lại kiến thức cũ, rèn luyện lại tác phong, ý thức kỷ luật, tuân thủ giờ giấc- cô trả lời.
Tôi biết, vào sáng 28/8, học sinh các cấp học trong toàn tỉnh tựu trường sau kỳ nghỉ hè, trừ học sinh lớp Một đã có 1 tuần làm quen trước đó.
|
Dù đã rất cố gắng ép mình ngồi bên máy tính, nhưng rồi tôi đành đứng dậy, bởi trong đầu cứ hiện lên hình ảnh nhộn nhịp, rộn rã ở các cổng trường. Tôi thấy nhớ tiếng reo vui hớn hở, hoặc mếu máo khóc, của đám học trò; thấy thèm được chen vào giữa những phụ huynh đưa con đến trường.
Thì ra, dù bây giờ đã lớn tuổi rồi, nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi vẫn như thấy mình của những ngày tựu trường xa xưa, ở trường làng.
Không phải bây giờ học sinh mới tựu trường trước ngày khai giảng. Từ khi tôi đi học, tức đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, học sinh cũng đã đến trường từ những ngày cuối tháng Tám.
Đây là ngày mà học sinh và thầy cô giáo cùng tề tựu ở trường học sau kỳ nghỉ hè để chuẩn bị cho một kỳ học mới, một năm học mới. Nó khác với ngày khai giảng, có nghĩa là ngày bắt đầu năm học, kỳ học mới.
Hồi đó, bố tôi đi công tác xa, chị em tôi ở với mẹ và bà ngoại. Người lớn bận việc đồng áng, nên mấy chị em tự dẫn nhau đi học. Đứa lớn dẫn theo đứa bé, không đứa nào khóc nhè cả. Chỉ có chăng là đôi chút ấm ức và bất bình vì phải mặc lại bộ quần áo cũ của anh chị trong ngày đầu tiên trở lại trường mà thôi.
Tôi còn nhớ, cái quần cao đến tận lưng, còn áo xanh thì lùm xùm, rộng ơi là rộng. Bà ngoại phải lấy dây chuối khô buộc qua buộc lại đến mấy vòng để quần khỏi tuột.
Mà rồi cũng kệ! Trẻ con chẳng biết ngượng, hơn nữa, được đến trường gặp lại chúng bạn, được nghịch ngợm đủ trò là vui rồi.
|
Với trẻ em thôn quê, đường đi học đơn giản lắm, thân thuộc và bình yên. Vượt qua một ngọn đồi, đi mỗi quãng đồng lúa nữa, rồi men theo lối nhỏ um tùm cây là đến trường.
Ngày ấy, ngôi trường làng đơn sơ, vách nứa, mái lợp tranh nép mình dưới um tùm cây xanh, có cột cờ cao chót vót dựng giữa sân đầy sỏi bỗng trở nên sôi động, rộng rã, tưng bừng bởi tiếng cười nói.
Những học sinh lớp Một, được bố hoặc mẹ, hoặc ông, bà dắt tay đến trường. Có đứa nhìn xung quanh với ánh mắt tò mò xen lẫn háo hức. Có đứa nép vào tay người lớn, sợ sệt nhìn các anh chị lớp lớn. Có đứa khóc mếu máo, khiến người lớn phải vỗ về, dỗ dành.
Những học sinh lớp 2 trở lên thì bày đủ trò nghịch ngợm. Có đứa tỏ ra đàn anh, dỗ các em lớp Một chơi cùng để người lớn ra về.
Ngày ấy, sau khi nhận lớp, nhận cô, chúng tôi được sắp xếp chỗ ngồi, nó sẽ theo mỗi đứa hết năm học; được hướng dẫn lao động tập thể, như vệ sinh lớp học, bố trí bàn ghế, quét dọn sân trường, chăm sóc bồn hoa. Một số bạn chưa kịp chuẩn bị đủ đồ dùng học tập sẽ được cô giáo nhắc nhở.
Cứ như thế, vèo cái là hết mấy ngày. Chúng tôi lại náo nức đón ngày khai giảng. Lúc ấy mới chính thức bắt đầu năm học mới.
Bây giờ thì cũng không khác là mấy. Ngày tựu trường 28/8 cũng là để chuẩn bị cho ngày khai giảng được suôn sẻ, bao gồm cả việc khắc phục tâm lý lười biếng, uể oải cho học sinh sau một kỳ nghỉ dài.
Tôi cũng biết, có những ý kiến trái chiều về việc tựu trường trong năm học mới. Sao lại bắt học sinh nhập học trước rồi tổ chức khai giảng sau- một số người thắc mắc như vậy.
Một số người thì lo lắng rằng, khi tựu trường trước cả tuần, thì ngày khai giảng 5/9 sẽ mất đi ý nghĩa và không để lại ấn tượng cho các em.
Nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là cách - nhìn - của - người - lớn.
Mấy hôm nữa, hãy nhìn ánh mắt con trẻ, hãy nhìn các em xúng xính trong bộ đồng phục mới, vui vẻ tập trung ngày khai giảng sẽ biết, các em vẫn cần ngày khai giảng, vẫn yêu ngày khai giảng.
Hãy ngắm các em tung tăng chơi đùa, nghe các em hát Quốc ca, ta sẽ thấy ngày khai giảng vẫn đẹp đến nhường nào.
Và tôi tin rằng, dù là ngày tựu trường trước 1 tuần hay ngày khai giảng, đều vẫn đẹp trong mắt các em.
THÀNH HƯNG