05/04/2017 09:13
Theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Thanh Hồng, vào ngày 12/1/2016, ông có ký gửi 6.432kg cà phê cho bà Linh với giá chốt ban đầu 34.400 đồng/kg. Bà Linh thanh toán 3 lần (lần cuối cùng vào ngày 9/9/2016), tổng số tiền 130.000.000 đồng; số còn lại là 91.260.000 đồng. Ông Hồng nhiều lần đòi nợ, nhưng bà Linh không trả và cho rằng “Công ty Cà phê Gia Lai” vỡ nợ, chưa trả cho bà Linh, nên bà Linh không thanh toán được.
|
Cùng chung cảnh ngộ, ông Huỳnh Văn Bân cũng ký gửi bà Linh 6.486kg cà phê vào ngày 23/10/2016. Giá chốt ban đầu là 34.800 đồng/kg, tương đương với tổng số tiền là 208.800.000 đồng. Bà Linh đã thanh toán cho ông Bân tiền và phân bón, tổng cộng 106.845.000 đồng. Số tiền còn lại 101.955.000 đồng, ông Bân nhiều lần đến nhà bà Linh yêu cầu thanh toán, nhưng bà Linh không trả và cũng đổ tội cho “Công ty Cà phê Gia Lai” vỡ nợ. Tài sản trên trăm triệu đồng của ông, giờ chỉ còn tờ giấy viết tay, gia đình chẳng biết kêu ai.
Riêng trường hợp của ông Hà Văn Tích ký gửi tại kho bà Linh có khác một chút. Ông Tích có 40.224kg cà phê tươi, quy ra theo thỏa thuận là 8.380kg cà phê nhân. Khi ký gửi kho, giá cà phê chốt là 34.400 đồng/kg. Thỏa thuận giữa ông Tích và bà Linh là phải thanh toán tiền ngay theo thời điểm chốt giá. Nhưng khi ông Tích đến chốt giá, lấy tiền, thì trong kho không còn cà phê của ông và tiền bà Linh cũng không thanh toán. Nhiều lần ông Tích cùng các ông Hồng, ông Bân đề nghị vợ chồng Nguyễn Minh Trí - Hoàng Mộng Linh dẫn họ đến “Công ty Cà phê Gia Lai” vỡ nợ, nhưng ông Trí, bà Linh đều lảng tránh.
Bức xúc trước việc vợ chồng Nguyễn Minh Trí - Hoàng Mộng Linh liên tục lảng tránh không trả nợ, các ông Nguyễn Thanh Hồng, Huỳnh Văn Bân, Hà Văn Tích cùng đứng đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kon Tum, Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum và một số cơ quan chức năng khác kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền.
Tại Thông báo số 30/TB-PC44, ngày 21/12/2016 của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra- Công an tỉnh Kon Tum về kết quả kiểm tra, xác minh ban đầu đơn tố cáo của công dân, thì hành vi của vợ chồng ông Nguyễn Minh Trí và bà Hoàng Mộng Linh không có dấu hiệu hình sự mà là quan hệ dân sự.
Theo các luật sư, hiện tượng chủ doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê, vay mượn cà phê rồi tuyên bố phá sản, coi như “huề cả làng”, không thể xử lý hình sự được, đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, hành vi vay mượn, nhận ký gửi tài sản hợp pháp rồi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp, hoặc có tài sản nhưng không chịu trả, tìm cách để chuyển hóa tài sản dưới mọi hình thức, được xem có dấu hiệu tội phạm tội “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, cũng giống như điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Một giao dịch dân sự tưởng chừng rất bình thường như vậy sẽ chẳng có vấn đề gì nếu không có chuyện nhiều đại lý, doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê của nông dân làm ăn gian dối, để rồi nhiều gia đình nông dân lâm vào cảnh điêu đứng, mất trắng số cà phê đã ký gửi. Chính loại hình giao dịch này đã làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh trên thị trường cà phê và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội của người dân.
Câu chuyện những người nông dân trên bị nếm “trái đắng” như thế này lâu nay đã tồn tại trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết tận gốc… Họ hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn rất cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ để lấy lại số tiền họ đã đổ mồ hôi nước mắt ra mới có được.
Dương Lê