09/11/2016 18:15
Chuyện nam thanh niên 23 tuổi tung tin đồn "đoàn hơn 50 xe tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre" trên trang cá nhân bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính trong đầu tháng này một lần nữa cho thấy mạng ảo – trách nhiệm thật nên không thể đùa.
Nam thanh niên này khi làm việc với cơ quan chức năng đã cho rằng, mình đăng clip với mục đích “câu like” (thích) chứ không có động cơ khác. Thế nhưng, vì thông tin đưa sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (theo quy định tại Nghị định 174 của Chính phủ) nên Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre phối hợp với Công an ra quyết định xử phạt với hình thức giáo dục, nhắc nhở.
Chỉ vì “câu like”, nam thanh niên này và hẳn là còn nhiều trường hợp khác sẵn sàng nói sai, sáng tác, dựng chuyện, ghép ảnh, xuyên tạc có dụng ý hay không có dụng ý... một cách vô tội vạ, gây ra nhiều hậu quả, trong đó làm xói mòn văn hóa cộng đồng, gây mất niềm tin vào xã hội.
Cũng không quá khó khi lướt các trang mạng xã hội hiện nay để thấy rằng, chỉ vì “câu like” không ít người sẵn sàng nghĩ ra các chiêu trò. Có nam thanh niên ngay tại Kon Tum mới đây còn hứa trên trang cá nhân nếu đủ 1.000 like sẽ nhảy sông Đăk Bla tự tử.
Không quá bất ngờ nhưng không ít người cũng bày tỏ sự quan ngại khi nam thanh niên này cũng như nhiều bạn trẻ khác nữa hầu như ngày nào cũng đều có chiêu thức “câu like” một cách vô tội vạ: Nào là like nhanh hình này kèm comment (bình luận) số điện thoại sẽ tặng thẻ cào điện thoại cho 200 bạn nhanh nhất nha, chỉ áp dụng khi đủ 500 like; nào là nếu ai khi thấy hình này không like sẽ xui cả đời; nào là ngày nọ giờ nọ sẽ rải tiền ở cầu Đăk Bla…
Chàng trai trẻ này là một minh chứng cho lối sống ảo, muốn thể hiện mình mà không ít người đang điên cuồng theo đuổi để nhận được tung hô từ cư dân mạng.
Khi bày trò “câu like”, họ đang nghĩ gì? Họ có thực sự cảm thấy hạnh phúc khi nhận được số like như mong muốn trên mạng xã hội? Bởi vậy, liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu cậu thanh niên đó đủ 1.000 like?
Không ít trường hợp vì sức ép từ mạng xã hội, từ những người bấm nút like nên những tưởng đùa cho vui… lại không thể vui nổi, thậm chí trở thành bi kịch.
Còn nhớ cách đây không lâu, truyền thông đã đưa tin một thanh niên 24 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng đổ dầu lên người tự thiêu để “câu” 40.000 like trên trang cá nhân; vì có đủ 1.000 like, một bé gái mới 13 tuổi ở Khánh Hòa dù sợ quá đã bỏ trốn nhưng vẫn bị một nhóm người ép phải mang xăng đến đốt trường; vì clip mình bị đánh đập đưa lên mạng xã hội, một nam sinh ở Yên Bái bị tổn thương, hoảng loạn tìm đến cái chết...
Có những người “câu like” chỉ vì thích được like, nhưng đa số những người dựng chuyện “câu like” vì muốn nổi danh. Nhưng khi “câu like” mấy ai nghĩ rằng, những kiểu “câu like” đó là mầm nống sinh ra tội phạm.
Nói cách khác, những thắng lợi hư ảo đang đe doạ trực tiếp tới cuộc sống thật khi ai ai cũng có thể liều mình vì nút “like” vô bổ, vô thực ấy. Bởi, dựng chuyện vì like, tự tử vì like, đốt trường vì like… đã hiển hiện.
“Câu like” là chuyện không mới, nếu không nói là quá cũ nhưng trước xu hướng “câu like” ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm tiếp tục đặt ra những vấn đề mới.
Hiến pháp thừa nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, nhưng nếu ai đó lợi dụng quyền tự do để để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài thích đáng.
Bởi, chỉ vì những câu chuyện vô thưởng vô phạt, vài dòng tin thất thiệt hay vài bức ảnh, clip thiếu kiểm chứng… đều khiến dư luận hoang mang và cuộc sống của nhiều người cũng trở nên khốn đốn.
Suy cho cùng, quan trọng là thái độ và cách sử dụng của mỗi cá nhân, hay nói cách khác là “văn hóa ứng xử” trên mạng. Mỗi người, trước khi đặt tay lên bàn phím để đăng tải một câu chuyện/một bức ảnh/một clip hay gõ một bình luận, nhấn một nút share (chia sẻ), nút like, hãy cân nhắc thật kỹ. Đừng để đùa cho vui… nhưng lại không thể vui nổi như những câu chuyện vừa nêu.
Nguyên Phúc