Khổ sở vì… ồn

13/12/2016 13:59

Thời gian qua, các quán cà phê trên địa bàn thành phố mở nhạc sống (hát cho nhau nghe), mở nhạc DJ với cường độ âm thanh lớn đã gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Mất ngủ vì nhạc sống

Theo đơn thư của nhiều hộ dân tại khu dân cư tổ 2, phường Thắng Lợi, khoảng 7 tháng trở lại đây, quán cà phê guitar Hoàng Vy ở tổ dân phố 7, phường Thống Nhất tổ chức hát nhạc sống hàng đêm với cường độ âm thanh lớn đã gây tiếng ồn, làm xáo trộn việc sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân trong khu phố.

Theo phản ánh, quán cà phê này tổ chức nhạc sống hàng ngày, buổi sáng bắt đầu từ lúc 8h-12h trưa và tối bắt đầu từ 20h-22h30. “Mỗi lần quán mở nhạc là chúng tôi lại bị "tra tấn” không chịu nổi. Ai vào nhà chơi cũng than ồn quá rồi lại đi về; nói chuyện điện thoại cũng không tài nào nghe được. Ngày nào vợ chồng tôi cũng phải đóng cửa thật kín nhưng nhạc vẫn ầm ầm, làm chúng tôi mất ăn mất ngủ” – bà N.T.L bức xúc.

Không riêng gì người dân tổ 2 phường Thắng Lợi, chị B.T.H ở tổ 7 phường Thống Nhất cũng rất bức xúc trước việc quán cà phê này mở nhạc to. Chị cho biết, nhà chị có con nhỏ đang học lớp 1, mỗi tối quán Hoàng Vy chơi nhạc sống, ồn ào khiến con chị không thể tập trung học hành. “Vợ chồng chúng tôi muốn nghỉ ngơi cũng không yên” – chị H bày tỏ.

3 năm trở lại đây, từ khi quán cà phê An (nay là quán cà phê Hạnh) tại đường Bà Triệu tổ chức chơi nhạc sống cũng là lúc người dân tại tổ dân phố 6, 7, phường Thắng Lợi phải sống chung với tiếng ồn.

Theo lời người dân nơi đây, mỗi tối khoảng 7h30 đến 9h, quán lại tổ chức mở nhạc sống với âm lượng lớn, rất ồn ào.

“Bếp nhà tôi ngay vị trí đặt loa bên quán, vì nhạc quá ồn, tạo rung chấn làm tường nhà bếp của tôi nứt luôn. Khoảng 1 tháng trở lại đây, quán An này đổi thành quán Hạnh, những tưởng đổi chủ, đổi cách hoạt động thì sẽ đỡ ồn, nhưng không, nhạc vẫn ầm ĩ khiến gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tối nào tôi cũng phải đi ra ngoài đến lúc gần hết nhạc mới về chứ ở nhà không chịu nổi” – ông L.V.C – một người dân ở khu phố phản ánh.

Tương tự, người dân ở tổ dân phố 6, phường Duy Tân cũng phản ánh  quán cà phê Omely, Ban Mai chơi nhạc DJ, loa mở với công suất lớn, nhạc ầm ầm, dội vào lồng ngực khiến người lớn tuổi không thể ngủ nghỉ, học sinh không thể học hành.

Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân ở các tổ dân phố đã có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri đồng thời làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền để mong được giải quyết. “Trong thời gian đến nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, chắc vợ chồng tôi phải bán nhà chuyển đi nơi khác ở để đảm bảo sức khỏe cho mình” – bà L cho hay.

Ông C cũng nói rằng, tổ dân phố của ông đã làm đơn kiến nghị nhiều lần lên các cấp nhưng việc mở nhạc to vẫn không thuyên giảm. “Nếu mở nhạc, các quán cần có hệ thống cách âm chứ như thế này chúng tôi không thể chịu nổi. Đến lúc con tôi vào học cấp II, nếu còn tình trạng này chắc vợ chồng tôi cũng phải bán nhà đi nơi khác để con học hành” – ông C tâm sự.

Khó xử lý triệt để

Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Kon Tum đã làm việc với ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) thành phố.  Ông Tuấn xác nhận, thời gian gần đây, các quán cà phê guitar, nhạc sống mở ra nhưng lại không chú ý đến việc làm hệ thống cách âm, gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Trong đó, người dân phản ánh nhiều nhất về 6 quán cà phê: Omely, Ban Mai (ở tổ dân phố 6, phường Duy Tân); cà phê An (nay là cà phê Hạnh ở tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi); quán cà phê guitar Thủy ở tổ 11, phường Thống Nhất;  quán Hoàng Vy ở tổ 7, phường Thống Nhất và quán New ở tổ 3 phường Thắng Lợi.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, pháp luật không cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, giải trí sử dụng các thiết bị nghe, nhìn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ và đảm bảo các quy định của pháp luật về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và môi trường. Và trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn (QCVN26:2010/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT), đối với các khu vực thông thường gần các khu chung cư, nhà ở riêng lẻ, cơ quan nhà nước… các hoạt động từ 6h-21h độ ồn không được vượt quá 70 DBA và không được vượt quá 55 DBA từ 21h - 6h sáng hôm sau. Và nếu vi phạm sẽ có các mức xử phạt phù hợp.

Kiểm tra độ ồn tại các quán cà phê. Ảnh: H.T

 

Từ phản ánh của người dân, thời gian vừa qua, Phòng VHTT thành phố đã phối hợp với đội Kiểm tra liên ngành trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội của thành phố đến tận các quán cà phê để đo độ ồn, hướng dẫn, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phối hợp đi đo độ ồn 5 lần (mỗi quán) với những quán nêu trên” – ông Tuấn cho biết.

Trong tối 6/12, Phòng VHTT cũng phối hợp với đội Kiểm tra liên ngành tiến hành đo độ ồn tại 2 quán cà phê Hoàng Vy và Guitar Thủy. Theo số liệu đo được, tại quán cà phê Hoàng Vy lúc 8h15, mức độ ồn là 68 DBA.

“Trong đợt kiểm tra trước đó, UBND phường Thống Nhất đã tiến hành xử phạt quán Hoàng Vy 1 triệu đồng vì vi phạm về độ ồn. Đến nay, quán có làm cửa kính cách âm nên độ ồn đã giảm xuống. Còn đối với quán Guitar Thủy, vì nhiều lần đoàn vào đều không chơi nhạc nên không đo được độ ồn. Và lần này, khi thấy đoàn đến, quán đã vội tắt nhạc nên cũng không đo được. Chúng tôi đã nhắc nhở để chủ quán hiểu các quy định, các mức độ xử phạt khi sai phạm. Chủ quán cũng đã cam kết sẽ giảm âm thanh hoặc làm hệ thống cách âm đảm bảo theo quy định ” – ông Tuấn cho biết.

Trước đó, qua quá trình kiểm tra, đo độ ồn, Phòng VHTT đã tham mưu với UBND thành phố xử phạt quán Beer Club trên đường Nguyễn Huệ và quán New. Hiện tại, hai quán này đã ngưng hoạt động.

Cùng với việc xử phạt hành chính, Phòng VHTT thành phố cũng phối hợp với chính quyền phường Duy Tân mời các chủ quán cà phê Omely, Ban Mai lên làm việc, kí cam kết không vi phạm.

“Về phía phường, chúng tôi cũng tổ chức đi kiểm tra liên tục, đôn đốc, nhắc nhở các quán làm cách âm, mở nhạc vừa phải tránh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Vừa rồi, quán cà phê Omely đã làm kính cách âm, cường độ âm thanh đã giảm lại rất nhiều. Hiện tại, người dân vẫn đang còn phản ánh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở để quán điều chỉnh âm lượng vừa phải” – ông Đinh Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Duy Tân cho biết.

Dù các biện pháp được đưa ra nhưng ông Tuấn cho rằng, việc xử lý về ô nhiễm tiếng ồn gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho biết, các quán cà phê guitar, nhạc DJ, nhạc sống thuộc vào loại hình kinh doanh không có điều kiện nên rất khó xử lý. Hơn thế, tâm lý chung của người dân là thích yên tĩnh nên cứ làm đơn kiến nghị, phản ánh, nhưng thực tế khi xuống đo, mức độ ồn nằm trong quy định cho phép nên không thể xử phạt được.

“Như quán An trước đây (nay là quán Hạnh), chúng tôi đã tiến hành đo rất nhiều lần nhưng chỉ có 1 lần vi phạm độ ồn và đã xử phạt, còn những lần khác không vi phạm thì không thể xử lý được. Nếu người dân phản ánh nứt tường vì độ ồn từ quán này gây ra, cần có cơ sở pháp lý chứng minh, bởi việc nứt tường vì độ ồn rất khó xảy ra. Nếu xác định nguyên nhân đúng là do tiếng ồn từ quán gây ra thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm xử lý” – ông Tuấn cho biết.

Ngoài những vấn đề trên, để xử lý ô nhiễm tiếng ồn một cách triệt để, ông Tuấn cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử phạt. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra về độ ồn theo kế hoạch. Chúng tôi mong rằng người kinh doanh cần có ý thức, chấp hành đúng các quy định về độ ồn, để tránh bị xử lý vi phạm, đồng thời tránh mất tình làng xóm, gây xích mích trong khu phố” – ông Tuấn cho biết.  

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác