Chợ Đăk Tô còn nhiều bất cập

15/11/2016 09:11

Chợ Đăk Tô được nâng cấp từ năm 2012, là chợ hạng 2, gồm 201 sạp với 189 hộ kinh doanh. Sau khi đưa vào sử dụng được vài năm, ngoài các ki ốt, nhà lồng chính vẫn đảm bảo thì tại khu vực nhà lồng tươi sống xuất hiện nhiều bất cập, gây khó khăn cho các hộ kinh doanh và người đi mua hàng.

Không thoát nước

Tại nhà lồng tươi sống, khu vực kinh doanh gà chỉ cách các sạp kinh doanh thịt, cá chưa đầy 1m. Khoảng cách này không đủ để ngăn mùi phân gà. Hơn thế, mới 8h sáng, lông gà đã bay tứ tung ra các sạp bán cá, bán thịt phía trước.

Cũng tại đây, các hộ kinh doanh cá phía trước thải nước làm chảy tràn lan trước hàng gà. Để tránh tràn nước xả từ hàng cá, các hộ kinh doanh gà tự ý xây các gờ chắn nước quanh khu vực buôn bán của mình.

Không chỉ thế, xung quanh khu vực bán cá, gà, nước ứ đọng, nhìn rất dơ bẩn, nhớp nháp. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ nước thải thoát qua rãnh nước nhỏ nằm phía cuối chợ, sau đó được đưa về hệ thống cống nằm dọc 2 bên hông chợ. Vì rãnh thoát nước quá nhỏ, lại ứ đọng bùn đất nên không xử lý được toàn bộ lượng nước thải từ các gian hàng cá, thịt và rau tại khu vực kinh doanh hàng tươi sống.

Nước không thoát gây mất vệ sinh tại chợ. Ảnh: H.T

 

Hơn thế, các hộ kinh doanh nơi đây cho biết, một phần do mặt nền khu vực buôn bán thấp hơn so với mặt nền dẫn xuống mương nên nước không thoát được. Và từ khi nâng cấp đến nay, riêng mặt nền chợ đã được tu sửa đến 3 lần nhưng vẫn không đảm bảo.

Theo lời người dân nơi đây, hiện tại nước ứ đọng nhưng so với trước đã đỡ hơn nhiều. Thời gian trước, tại khu vực này nước đọng thành vũng, người mua, bán phải xắn quần, mang ủng mới vào được hàng gà, cá. Trước tình trạng đó, các hộ kinh doanh đã kiến nghị nhiều lần với tổ quản lý chợ.

Đến tháng 5 và tháng 7/2016, Trung tâm Môi trường đô thị huyện Đăk Tô cho người xuống xẻ những đường rãnh để dẫn nước chảy, giúp thoát nước. Nhưng, các đường rãnh gần như chỉ được cắt cho có. Mỗi đường chỉ rộng tầm 5cm, chiều sâu lại có hạn khiến nước khó chảy được.

“Các rãnh này được cắt chồng chéo với nhau vừa mất thẩm mỹ mà nước cũng chảy được rất ít. Chúng tôi không dám quét phía dưới rãnh này lên, nước hôi thối lắm, không chịu nổi. Để nước thoát, buộc phải có hệ thống cống rãnh đàng hoàng chứ làm tạm bợ như thế này không giải quyết được lâu dài đâu” – cô Mùi, kinh doanh hàng cá bày tỏ.

Nước ứ đọng gây mùi hôi, tanh, khiến việc buôn bán của các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ vậy, nhiều hộ kinh doanh còn phản ánh về hệ thống nước dùng trong chợ. Họ cho biết, mặc dù chợ có bể nước phục vụ cho việc buôn bán nhưng nguồn nước vừa thiếu lại vừa đục, không đảm bảo vệ sinh nên ít người dám sử dụng. Bởi vậy, mùa mưa họ phải hứng nước mưa để trữ, những ngày nắng, mỗi hộ phải bỏ thời gian để xách, chở từng can nước ở nhà lên để phục vụ việc buôn bán.

Ông Hoàng Bá Lợi, kinh doanh hàng cá tươi sống cho biết, mỗi ngày ông phải chở 8 can nhựa, mỗi can 30 lít nước từ nhà đến chợ. “Nhà tôi cách chợ 4km, việc chở nước đi vừa mất thời gian lại tốn công sức. Chúng tôi muốn có nguồn nước đảm bảo để việc kinh doanh của mình được ổn định” – ông Lợi bày tỏ.

Sẽ giải quyết trong thời gian đến

Trước những phản ánh và thực tế tại chợ, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với chị Phan Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ chợ, thuộc Trung tâm Môi trường đô thị huyện Đăk Tô.

Chị Tuyết cho biết, trước đây, theo thiết kế, hàng gà cách hàng cá 2m. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, các hộ kinh doanh hàng gà đã đặt thêm lồng chứa gà ra phía trên nên thu hẹp khoảng cách giữa hàng gà và hàng cá. “Chúng tôi cũng đã có nhắc nhở nhưng các hộ kinh doanh vẫn chưa khắc phục” – chị Tuyết cho biết.

Chị Tuyết xác nhận có việc ứ đọng nước tại nhà lồng tươi sống. Chị cho biết, sau khi nghe phản ánh của người dân, Tổ chợ trình bày với Trung tâm Môi trường đô thị huyện và đã thực hiện cắt rãnh 2 lần theo yêu cầu. “Những người thợ đến làm, họ nói không thể cắt rãnh sâu xuống phía dưới được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến thiết kế bên dưới nên chỉ cắt được rãnh nhỏ và chiều sâu có hạn” – chị Tuyết cho biết.

Tuy nhiên, chị Tuyết khẳng định, nguyên nhân đọng nước cũng một phần do ý thức của các hộ kinh doanh, buôn bán. Sau khi bán xong, các hộ kinh doanh, mạnh ai người ấy dội, tạt nước tràn lan.

Trước tình trạng nước ứ đọng, chị Tuyết nói rằng, trước mắt sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh. Trong thời gian đến, Tổ chợ sẽ họp lại các hộ kinh doanh và quán triệt, nâng cao ý thức của người kinh doanh. Sau đó, chị sẽ có ý kiến tham mưu với Trung tâm Môi trường đô thị để làm việc lại với đơn vị thi công, có biện pháp xử lý lại hệ thống mương nước để không xảy ra tình trạng ứ đọng, gây ô nhiễm.

Còn về vấn đề nước tại chợ, chị Tuyết cho biết, hiện chợ có một bể nước 10 khối đặt ở ngoài trời, ngay bên hông chợ, hộ nào thấy cần thiết thì có thể sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề nước sử dụng tại chợ hiện nay do công ty TNHH Utility Water (Việt Nam) quản lý nên các hộ kinh doanh nếu cần có thể phản hồi ý kiến đến công ty.

“Chúng tôi tiếp thu những ý kiến phản ánh của các hộ kinh doanh nơi đây và sẽ tham mưu để có những giải pháp khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các hộ kinh doanh nơi đây nâng cao ý thức, cùng bảo vệ, cùng giữ gìn vệ sinh để chợ được sạch sẽ, đảm bảo vấn đề kinh doanh, buôn bán” – chị Tuyết chia sẻ.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác