Bánh ổ

07/10/2023 13:02

Có thể với nhiều người, tên gọi bánh ổ nghe lạ lẫm, nhưng với tôi và những người con Bình Định, mỗi khi nghe nhắc đến lại thấy lòng cồn lên nỗi nhớ da diết về loại bánh dân dã này.

Tôi không biết bánh ổ có từ bao giờ, cũng chưa nghe ai kể về nguồn gốc, xuất xứ của nó. Nhưng từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã biết món bánh thơm ngon này đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân quê tôi. Nhất là vào mỗi dịp giỗ chạp, bánh ổ- cùng với bánh ít, bánh chưng, bánh tét- không bao giờ thiếu trong lễ vật dâng cúng gia tiên.

Độ ngon của bánh ổ được mọi người ca tụng qua bài đồng dao “Trời mưa lâm râm” mà trẻ con chúng tôi thường hay nghêu ngao hát. “Trời mưa lâm râm. Cây trâm có trái. Con gái có duyên. Đồng tiền có lỗ. Bánh ổ thì ngon. Bánh giòn thì béo…”.

Làm bột bánh ổ. Ảnh: SC

 

Bánh ổ là loại bánh được chế biến khá đơn giản từ bột gạo. Ngày trước, mỗi dịp đến ngày đám giỗ bà nội, má tôi hay làm bánh ổ. Gạo được vo sạch rồi ngâm trong nước hơn một tiếng đồng hồ, vớt ra chậu cùng với ít nước, cho vào cối đá xay nhuyễn để tạo thành dạng bột nước trắng tinh sóng sánh, đặc hơn bột làm bánh xèo. Sau đó cho thêm ít gia vị (hành tiêu, muối, bột ngọt) và một lượng nước cốt dừa vừa đủ, rồi đặt lên bếp lửa khuấy đều, nói theo người dân quê tôi là “giáo bột”.

Trong khi má tôi “giáo bột”, chị em tối sẽ chạy ra bụi chuối ở góc vườn, tìm những tàu lá đẹp, lành lặn, không non cũng chưa già, mang ra giếng nước rửa sạch, lau khô, trải vào trong chiếc mâm.

Những mẻ bánh ổ được làm xong chuẩn bị mang đi hấp. Ảnh: SC

 

Khi bột chín, tạo thành hỗn hợp sền sệt, má nhấc xuống, múc bột cho vào những miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn từ trước đó rồi gói lại, mang đi hấp trên bếp lửa cả giờ đồng hồ.

Bánh ổ có đặc điểm rất khác lạ, đó là không gói theo một quy tắc, hình thù nhất định, mà khi tròn, dẹp hoặc khi vuông, dẹp. Tức là theo hứng của người làm hoặc tùy vào kích cỡ của chiếc nồi hấp hay miếng lá chuối để gói bánh to hay nhỏ mà mỗi chiếc bánh sẽ có kích cỡ, hình thù khác nhau.

Sau khi bánh chín, chị em tôi xúm vào lột vỏ, cắt ra thành từng lát đặt vào đĩa để dâng cúng ông bà.

Tôi từng bâng khuâng nghĩ rằng, có lẽ vì bánh được làm từ một tảng bột như vậy, có người gọi là “ổ” bột, nên dần dần được gọi là bánh ổ chăng.

Sau này, bánh ổ được cải tiến, được làm với kích cỡ nhỏ hơn. Vì vậy, bánh được gói giống kiểu của bánh ít, bánh gói. Nhiều nơi còn nhầm bánh ổ là bánh gói, vì có hình thù rất giống nhau. Cách để phân biệt hai loại bánh này là, bánh ổ sẽ có vị thơm béo của nước cốt dừa, chút mặn của muối và vị thơm cay của tiêu.

Má tôi kể, bánh ổ ở quê tôi có một quá trình cải biến. Hồi má còn nhỏ, mỗi dịp nhà có đám giỗ, trước đó vài ngày, người ở quê tất bật lắm, nào là cắt lá chuối ở vườn mang ra phơi héo, ngâm bột gạo rồi mang đi xay, rồi đến các công đoạn làm bánh. Ngày trước, mọi người còn làm cả món bánh ổ ngọt (bánh ổ đen) và bánh ổ mặn (bánh ổ trắng). Các loại bánh ổ có cách làm đều giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là trong quá trình làm bột, bánh ổ ngọt thì được trộn đường đen (làm từ mật mía), còn bánh ổ mặn thì thay vì cho đường thì pha thêm chút muối.

Sau này, để giản lược bớt và cũng vì số đông thích hơn, nên người ở quê chỉ làm bánh ổ mặn (bánh ổ trắng) để dâng cúng ông bà, tổ tiên.

Bây giờ, giỗ chạp ở quê, còn rất ít nhà làm bánh ổ để dâng cúng ông bà, tổ tiên; thường chỉ tập trung làm bánh ít hay bánh chưng, bánh tét, bởi các loại bánh này cũng được làm từ bột gạo nếp để tượng trưng cho nghề nông gắn bó từ bao đời của người Việt.

Sự giản lược này theo những người lớn tuổi là để tiết kiệm thời gian. Vì mỗi giỗ chạp, thời gian làm các loại bánh này rất lâu.

Tuy được giản lược trong đám giỗ chạp, nhưng bánh ổ vẫn là món ăn “gây nghiện” với người dân quê tôi, bởi độ thơm ngon đặc trưng của loại bánh vùng xứ dừa không lẫn vào đâu được. Vào mỗi ngày mưa, có thời gian rảnh rỗi là nhiều gia đình cũng xay bột, mài dừa làm bánh  ổ.

Bây giờ, món bánh gói ở một số nơi cũng na ná giống món bánh ổ. Có điều, nguyên liệu làm bánh ổ không thể thiếu nước cốt dừa, chút muối, chút hành, tiêu, tạo nên hương vị thật đậm đà, vừa mặn, vừa ngọt, vừa thơm, vừa bùi, vừa béo, không lẫn vào đâu được.

Có thời gian, má tôi cũng sẽ làm bánh ổ cho cả nhà cùng thưởng thức, hoặc gửi cho con cháu ở xa. Khi ăn, có thể rưới thêm ít nước mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi để món bánh thêm đậm đà.

Và mỗi khi nghe nhắc đến tên bánh ổ, lại thấy lòng cồn lên nỗi nhớ!

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác