28/02/2017 18:01
Tin đồn thất thiệt
Ngày 18/2 mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài 28 giây, ghi lại cảnh một lượng nước màu đỏ được xả ra từ miệng cống nhỏ hình hộp dựng đứng đổ ra khu nước lớn, độ sâu khó xác định và không xác định được địa điểm quay. Nhiều người cho rằng cống xả thải này là do Formosa thải trực tiếp ra môi trường.
Thế nhưng, Tổ công tác liên ngành tỉnh Hà Tĩnh nhận định Formosa không có đường ống xả thải nào như clip trên mạng. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu công an điều tra, truy tìm người phát tán clip.
Trong khi đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khẳng định: Clip về cống xả nước thải màu đỏ không phải được quay ở Formosa Hà Tĩnh. Thông tin lượng nước thải này là của Formosa hoàn toàn sai sự thật.
Còn nhớ, cách đây không lâu, vào cuối năm 2016, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã bắt giữ Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) và nghi can khác ngụ Lâm Đồng. Hai người này cùng quản trị trang mạng do một người ở Mỹ lập ra, tung tin đồn thất thiệt Việt Nam sắp đổi tiền, kêu gọi mọi người rút tiền gửi ở ngân hàng đi mua vàng, USD, gây hoang mang dư luận.
Làm việc với cơ quan điều tra, Long khai, hàng ngày, anh ta tự sáng tác hoặc dẫn những thông tin bịa đặt về việc Việt Nam sắp đổi tiền nhằm tạo sự rối loạn, bất ổn về kinh tế, xã hội…
Kiểu tung tin đồn thất thiệt không chỉ dừng lại ở hai vụ việc nêu trên, dư luận đã từng không khỏi hoang mang trước hàng loạt thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên…
Dư luận trước đó cũng đã lan truyền một số thông tin thất thiệt về vụ chập điện khiến hàng chục người chết xảy ra ở một công ty của tỉnh Quảng Ninh; về dịch Ebola lan truyền…
Có thể nói, chưa bao giờ, những thông tin thất thiệt trên mạng lại “nở rộ” như hiện nay. Những thông tin theo kiểu “tung hỏa mù” này gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Điều đáng nói là những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng này lại ồ ạt xuất hiện trên mạng một cách công khai. Chỉ một chiếc điện thoại thông minh và một chút tư lợi (hoặc là hạn chế về nhận thức)… thì mỗi người đều có thể lợi dụng các trang mạng xã hội để đưa những thông tin bị bóp méo, sai sự thật, giật gân để gây sự chú ý và nhận sự chia sẻ, bình luận của người khác. Cư dân mạng cũng chỉ quan tâm đến những từ khóa nóng thay vì tìm hiểu có phải là sự thật hay không. Và cứ thế mà nhiều người bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, bình luận… khiến những thông tin thiếu minh bạch đó cứ thế mà lan truyền đến chóng mặt.
Bình tĩnh và tỉnh táo
Có thể nói, ngoài các kênh báo chí, mạng xã hội cung cấp một lượng thông tin rất lớn. Mạng xã hội là xấu? Không hẳn vậy. Nhưng cũng phải thấy rằng, bên cạnh những thông tin thể hiện trách nhiệm công dân bằng cách lên tiếng nói, góp ý và có những phản biện mang tính dựng xây thì vẫn còn nhiều thông tin không chính xác, chỉ có một nửa sự thật và thậm chí là không có một chút sự thật nào, gây nguy hiểm cho xã hội.
Lấy đơn cử từ thông tin đổi tiền lan truyền trên mạng xã hội trước Tết Đinh Dậu, hàng nghìn lượt người đã truy cập, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, bình luận, bày tỏ lo lắng. Thậm chí, có người vì quá hoang mang, chưa hề kiểm chứng đã vội vã rút tiền tiết kiệm từ các ngân hàng chuyển sang mua vàng, mua đô la… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ngành Công an và các cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm thủ phạm phao tin làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư của nước ta.
Trong thế giới phẳng hiện nay, ứng xử như thế nào trước các luồng dư luận quả không phải là chuyện dễ. Phát biểu và đưa ý cá nhân là quyền của mỗi công dân. Nhưng, các ý kiến đưa ra không được gây phương hại đến tập thể, cá nhân; không được xuyên tạc, vu cáo, phát tán thông tin sai sự thật…
Cũng phải thấy rằng, bên cạnh những đối tượng chủ ý thì cũng có những người đưa tin xuyên tạc, bóp méo vì kém hiểu biết hoặc chỉ với mục đích “câu like”, “cho vui”… Những thông tin này dù không phải chính thống nhưng lại khiến dư luận ồn ã. Không ít người dù không hề biết đúng - sai, chỉ cần có thông tin là sẵn sàng tung hô theo số đông. Chính vì vậy có những trường hợp không ý thức được hậu quả nghiêm trọng bởi khả năng lan truyền một cách chóng mặt của thông tin. Có những trường hợp khi đối mặt với cơ quan điều tra mới nhận ra hành vi vi phạm pháp luật.
Thế nên, việc quản lý, kiểm soát và xử lý dạng thông tin thất thiệt, xấu và độc hại này là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ngày 26/12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Từ Thông tư này, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng mối liên hệ tương tác với các trang mạng lớn như YouTube, Google, Facebook để khi phát hiện thông tin xấu, độc hại sẽ ngăn chặn, xử lý kịp thời. Thông tư này cùng với các Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 28/2009/NĐ-CP… quy định quản lý, xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được nhiều người bày tỏ hy vọng sẽ dần ngăn chặn được thông tin xấu, độc hại.
Thế nhưng, cùng với việc xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, điều mà nhiều người quan tâm là các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân. Để từ đó, mỗi người khi tham gia các trang mạng tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh, tỉnh táo, phù hợp tính chất của từng vấn đề, tránh “hội chứng đám đông”!
Nguyên Phúc