19/11/2024 06:07
Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thầy, cô giáo chính là động lực, trái tim của hệ thống giáo dục, nhân tố đóng vai trò quyết định tới chất lượng và sự phát triển của sự nghiệp giáo dục.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của công tác giáo dục và nghề giáo. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Thầy, cô giáo chính là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước lĩnh hội kiến thức, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có giáo viên hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
|
|
Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”.
Đây là dịp để tri ân những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là thời gian ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục.
Có thể thấy, suốt những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chăm lo của các đoàn thể, tổ chức xã hội, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sự nghiệp giáo dục nước ta ngày càng được nâng cao.
Cùng với cả nước, những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.
Hệ thống trường, lớp học ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả theo hướng tăng quy mô, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hiện nay, toàn tỉnh có 348 trường mầm non và phổ thông. Đội ngũ giáo viên được củng cố và phát triển, với tổng số 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có của toàn ngành, trong đó, 896 cán bộ quản lí, 9.846 giáo viên.
Chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện, đặc biệt, chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn ngày càng nâng lên. Chẳng hạn như năm 2023, tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 98,78%, tăng 1,09% so với năm 2022; đến năm 2024, tỷ lệ này là 99,31%, tăng 0,53% so với năm 2023. Kon Tum luôn giữ vững vị trí cao trong khu vực về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để có được kết quả này, cùng với sự quan tâm đầu tư, chăm lo của các cấp, các ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội thì vai trò trung tâm chính là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh.
Có thể thấy, hầu hết các nhà giáo trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”. Họ luôn tận tâm, tận tụy với công việc, nỗ lực không ngừng, trau dồi phẩm chất đạo đức, có ý chí vươn lên; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các thầy, cô đã trở thành những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh học tập và noi theo, trong đó, nhiều người đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, ở một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào DTTS như tỉnh ta các thầy cô giáo còn phải đảm nhận thêm nhiều phần việc khác. Trong đó, nổi bật là việc vận động, huy động học sinh ra lớp nhằm đảm bảo duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Các thầy, cô giáo đã không quản khó khăn, bám trường, bám lớp, trèo đèo, lội suối đến tận các thôn, làng, từng gia đình để vận động các gia đình đưa con em ra lớp. Không những thế, để “giữ chân” học trò, ở nhiều nơi, các thầy, cô giáo còn tích cực kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ vật chất, tự nguyện đóng góp thêm kinh phí, bỏ công sức tổ chức cho học sinh ở lại bán trú buổi trưa. Tất cả nhằm góp phần giúp học sinh được đến trường, lớp đầy đủ, có điều kiện học tập, tiếp cận kiến thức và vun đắp những ước mơ.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta, luôn được nhân dân, các thế hệ học trò gìn giữ và phát huy. Tháng 11 này và đặc biệt ngày 20/11 chính là dịp để các thế hệ học trò và cả xã hội thể hiện sự tôn vinh, lòng kính trọng và tri ân đóng góp to lớn của những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cao quý. Qua đó, cổ vũ, động viên và tiếp thêm động lực để những người thầy, người cô tiếp tục gắn bó với nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Thiên Hương