25/11/2024 13:14
Cũng chính vì lẽ đó, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện là bảo tồn cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ vật, di tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Cho đến nay, Sắc lệnh vẫn giữ nguyên tính lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc.
Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, mục đích là phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.
|
Xác định tầm quan trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS, trong những năm qua, công tác tham mưu các văn bản triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) triển khai tích cực và kịp thời bằng các chương trình, kế hoạch, đề án như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 19/11/2019 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2025”; Kế hoạch số 3113/KH-UBND, ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh về “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 3579/KH-UBND ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, ngành VHTT&DL tỉnh tích cực ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS.
Điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm qua phải kể đến việc nghiên cứu, phục dựng Lễ mừng nước giọt của nhóm Rơ Ngao (Ba Na) làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà; phục dựng Lễ mừng nhà rông mới của nhóm Hà Lăng (Xơ Đăng) làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy… Việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống góp phần đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần, đẩy mạnh và nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong đồng bào DTTS.
Thực hiện Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”; ngay từ năm 2023, Sở VH,TT&DL phối hợp với UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông tổ chức 2 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong cộng đồng dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng, 1 lớp tập huấn chỉnh chiêng cho các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Cho đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều mở lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho thế hệ trẻ, hình thành nên các câu lạc bộ/đội cồng chiêng, xoang thiếu niên ở cộng đồng dân cư và trong trường học, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng.
|
Cũng trong những năm qua, công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh được các huyện, thành phố tập trung các nguồn lực, vận động người dân xây mới hoặc sửa chữa nhà nhà rông bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư và góp phần quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh cũng được ngành VHTT&DL tỉnh triển khai thực hiện với các nội dung như xây dựng phóng sự tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống; tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống tại xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà; xuất bản cuốn sách “Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na ở Kon Tum”; hồ sơ khoa học về nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) và dân tộc Ba Na được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan bộ, ngành ở Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương, những năm qua, việc triển khai các nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả. Di tích và phát huy các giá trị di tích được quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa, công tác bảo vệ các di tích trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền chú trọng; các loại hình di sản văn hóa truyền thống đang được duy trì và có sự chung tay bảo tồn của chủ thể văn hóa, cả cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, các nghệ nhân nhiệt tình trong việc truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Kế thừa và tiếp nối quan điểm về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc chúng ta phải phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.
Việc tổ chức Ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc đẩy mạnh tuyên truyền Ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Dương Đức Nhuận