20/02/2017 14:01
Thấy nam thanh niên sau khi hút thuốc lá xong không chỉ vứt mẩu thuốc lá mà còn tiện tay ném bao thuốc ngay trên vỉa hè, tôi liền nhắc thùng rác ngay đằng kia kìa em. Nam thanh niên kia ngay tắp lự trả lời: vỉa hè, nơi cộng cộng, tôi vứt ở đâu là quyền tôi, có vứt rác thải, chất bẩn vào nhà cô đâu mà ý kiến.
Chuyện xảy ra đã lâu rồi, hôm rồi đem kể lại với đồng nghiệp. Cô bảo rằng, ít người có ý thức bảo vệ môi trường lắm chị à. Cách đây mấy hôm đi chơi cùng nhóm bạn ở công viên, khi đứng dậy, thấy cả đống rác, mẩu thuốc lá ngay dưới chân em vội vàng bỏ vào bì để vứt vào sọt rác thì các bạn lại bảo em rỗi hơi lo chuyện bao đồng đấy chị à. Khi nghe em bảo, bữa nay nếu xả rác, chất thải không đúng nơi quy định bị phạt cao lắm, các bạn em cười ồ lên rồi bảo nhau rằng chưa hề nghe đến, mà nếu có thì ai phạt và phạt ai.
Cũng chính vì những suy nghĩ, ai phạt, phạt ai; vỉa hè, đường phố, nơi công cộng là của chung đã có người khác lo, chỉ nhà mình sạch, ngõ mình sạch là được; hoặc nếu ai có ý thức bỏ rác, xả thải đúng nơi quy định và nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện thì lại “được gán” cho những từ: bao đồng, rỗi hơi, lắm chuyện… nên tình trạng vứt xả rác thải, chất bẩn không đúng nơi quy định cứ thế mà hiển nhiên tồn tại.
Dọc các tuyến đường, nhiều người đi dạo hoặc ăn uống xong vẫn vô tư quẳng các vỏ chai, vỏ bánh trên vỉa hè; tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi đúng chỗ. Nhiều người đi đường hút thuốc lá vẫn vô tư gạt tàn, mẩu thuốc lá ngay giữa đường, giữa nơi công cộng… Thậm chí cho dù thùng rác cách đó không bao xa, nhưng nhiều người vẫn thẳng tay đổ ra vỉa hè, đường phố…
Hậu quả của việc vứt xả rác bừa bãi này thì ai cũng thấy rõ: mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống và tất nhiên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người…
Và, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, môi trường, hành vi vứt thuốc lá không đúng nơi quy định, xả rác, chất thải bừa bãi trên vỉa hè, dưới cống nước… sẽ bị “đánh vào túi tiền” khi các mức phạt tăng cao từ ngày 1/2/2017, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (Nghị định này thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Tăng mức xử phạt được cho là giải pháp nhằm ngăn ngừa những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị hiện nay.
Thế nhưng, mức phạt tăng, ý thức có tăng theo? Thực tế là dù Nghị định 155 có hiệu lực được 20 ngày nhưng dường như mọi chuyện vẫn như cũ. Không ít người cho rằng, cốt lõi không phải nằm ở chỗ mức xử phạt mà là xử phạt như thế nào.
Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt được giao UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường… nhưng ai phạt, phạt ai cũng đang là câu hỏi lớn.
Cấm vứt một mẩu thuốc lá, vứt rác, xả thải làm sao được khi hàng đoàn xe chở vật liệu, cát sỏi… vẫn ngang nhiên chạy đổ vương vãi dọc các tuyến đường. Cấm sao được khi thùng rác công cộng dọc các tuyến đường còn ít, nhà vệ sinh công cộng ngay trên địa bàn tỉnh thì hầu như còn là số không… đã khiến cho không ít người có đủ lý do để biện minh cho hành động của mình…
Suy cho cùng, xử phạt và mức xử phạt chỉ mới nằm ở phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn là tuyên truyền, giáo dục. Ý thức được hình thành qua thời gian hoạt động của mỗi người. Trong khi đó, nhiều người không ý thức được rằng vứt xả rác, thải bẩn bừa bãi ở nơi công cộng là làm ảnh hưởng đến môi trường, thiếu ý thức, thiếu văn hóa. Hơn nữa, phạt nói cho cùng là để nâng cao ý thức. Trong khi ý thức chưa cao thì phạt nặng cũng chẳng hề là việc dễ dàng.
Kêu gọi bảo vệ môi trường vì thế phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người luôn ý thức không vứt rác, xả bẩn một cách bừa bãi. Và cùng với tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm thường xuyên, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Nguyên Phúc