06/01/2019 17:50
Với 7 Chương, 43 Điều, Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng, quy định các nội dung về bảo vệ, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
Ngay sau khi Luật An ninh mạng được đưa ra lấy ý kiến, dư luận đã rất quan tâm luận bàn. Vấn đề mà dư luận quan tâm nhất chính là những hành vi nào bị cấm trên không gian mạng và người dân khi sử dụng mạng xã hội phải lưu ý điều gì khi bày tỏ quan điểm của mình để không vi phạm pháp luật…
Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Người vi phạm tùy tính chất, mức độ hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra.
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng gồm: sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội bao gồm các hoạt động chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục người khác, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các biểu hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…
Bên cạnh đó, Luật cũng cấm thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Đồng thời Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm việc sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
Hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác cũng bị nghiêm cấm giống như hành vi chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng…
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, vấn đề an ninh mạng không chỉ là mối lo của riêng lẻ của mỗi quốc gia, mà nó đã thật sự trở thành mối quan tâm toàn cầu. Bởi vậy, Luật An ninh mạng ra đời chính là để bảo vệ mọi lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động cộng đồng mạng cũng như bảo vệ sự lành mạnh của môi trường mạng.
Luật An ninh mạng được ra đời trên cơ sở của sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng của Việt Nam trước đây. Luật được tổng hợp nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà làm luật, các cá nhân, tổ chức… được chỉnh lý, soi xét, cân nhắc, tổng hợp ở rất nhiều khía cạnh nên được cho là rất tiến bộ.
Luật An ninh mạng không có mục đích ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nó có mục đích giúp các hoạt động trên không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Việc Luật thiết lập các quy định nghiêm ngặt trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng là giúp các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc kỹ hơn khi tham gia hoạt động kinh doanh trên không gian mạng tại Việt Nam.
Luật An ninh mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Luật phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ở nước ta, mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin của các cơ quan chức năng cũng như của quốc gia.
Hoạt động của không gian mạng cũng phát sinh nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, hậu quả để lại không hề nhỏ đối với xã hội, thậm chí hậu quả còn dẫn đến sự chết người, nghiêm trọng hơn là gây phương hại đến an ninh quốc gia… bởi chính những lời nói, phát ngôn trên không gian mạng. Vì vậy, công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Và vì vậy, việc xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Song, trong thời gian qua, sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, đã không ít các luận điệu của các đối tượng xấu, thế lực phản động liên tục xuyên tạc Luật An ninh mạng.
Bản chất của các đối tượng này chỉ là mượn cớ khi Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng để nhằm mục đích chính kích động thù địch, gây chia rẽ dân tộc, vu khống và xuyên tạc các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh với môi trường hợp tác đầu tư mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang hướng tới.
Xét về khía cạnh pháp lý, những thông tin, bài viết của các đối tượng xấu này suy cho cùng là thiếu cơ sở khoa học và thiếu hiểu biết luật pháp. Ngay cách nói, dùng từ của những đối tượng này cũng chỉ là những từ ngữ thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta cũng như thời kỳ ứng xử văn minh mà nhân loại đang hướng tới; cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, chống phá chế độ, đi ngược lại quyền lợi hợp pháp của nhân dân với sự hằn học, thù địch trước những thành tựu đổi mới mà đất nước ta, Đảng ta, nhân dân ta đã đạt được…
Khẳng định Luật An ninh mạng hoàn toàn không vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân, mà ngược lại còn tạo điều kiện thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật. Bất cứ tổ chức nào, cá nhân nào cũng có quyền bày tỏ quan điểm, nhưng tất nhiên phải theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành chính là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động không gian mạng. Hãy là một cư dân mạng chân chính và cùng xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh…
Dương Đức Nhuận