15/02/2017 18:02
Rượu bia thường được sử dụng vào những sự kiện trọng đại trong đời sống xã hội của chúng ta như các dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi, ma chay... để chúc tụng nhau trong dịp đầu năm mới, chúc mừng hai họ, chúc đôi uyên ương hạnh phúc, hay tưởng nhớ những người thân đã khuất. Vì thế, có thể nói rượu trở thành “chất xúc tác” trong mối quan hệ giữa người và người, góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên cao đẹp, thân thiện, hòa đồng và gần gũi hơn; cảm thông và chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống.
Thế nhưng, cũng chính việc lạm dụng rượu bia quá mức ở một số người khi sử dụng nó đã làm cho họ mất khả năng kiểm soát hành vi của mình, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc và đau lòng. Trong đó, sự lạm dụng rượu bia thường diễn ra trong các dịp lễ tết thường xảy ra ở không ít nơi, gây nên những hậu quả cho gia đình và xã hội. Nhiều người chỉ chờ vào các dịp lễ tết là nhậu “thả ga”, không nghĩ gì đến hậu quả đằng sau những cuộc rượu ấy, mặc cho các cơ quan chức năng và giới truyền thông đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nguy hại của việc sử dụng rượu bia quá mức.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, cả nước có 368 vụ tai nạn giao thông, làm chết 203 người, bị thương 417 người. Trong đó có trên 40% số vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Đây chỉ là con số thống kê trong đợt cao điểm là dịp tết. Trong cuộc sống thường nhật, hàng ngày vẫn có hàng chục vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu là do uống rượu bia luôn chiếm tỷ lệ cao.
Đối với địa bàn Kon Tum, tuy trong 7 ngày tết không có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra, nhưng vẫn có hàng chục vụ va quệt. Những vụ va quệt này cũng phần nào là do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu, bia…
Liên quan đến rượu bia, cũng trong 7 ngày tết vừa qua, cả nước có 5.675 trường hợp đến khám, cấp cứu, nhập viện trong các cơ sở y tế do đánh nhau; trong đó có 619 trường hợp được xác định là do sử dụng rượu bia quá mức làm cho các đối tượng mất kiểm soát lời nói, hành vi nên dẫn đến mâu thuẫn, xô xát. Đây là con số đáng báo động.
Xét về khía cạnh văn hóa và đạo đức, người Việt Nam sống gần gũi, dễ mến, dễ gần, dễ sẻ chia và thông cảm. Điều này cũng đã được các du khách quốc tế đến Việt Nam thừa nhận. Dịp tết đến, xuân về là thời gian để người Việt có điều kiện nghỉ ngơi, thăm hỏi, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp trong năm mới; là dịp để hòa đồng, hòa giải những mâu thuẫn, xích mích trước đó…
Thế nhưng, việc sử dụng rượu bia quá mức trong những ngày tết, dẫn đến đánh nhau gây thương tích, thậm chí gây chết người; hay điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn đều là hành vi đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội.
Theo các chuyên gia y tế, những người lạm dụng rượu bia thường bị những sang chấn tâm lý nặng nề như gây nghiện, mất trí nhớ, gây ảo giác… mất kiểm soát hành vi, dễ dẫn đến các tác hại khôn lường. Đó là chưa kể đến những vụ ngộ độc rượu do nạn nhân uống nhầm phải rượu pha lẫn cồn công nghiệp, rượu giả… làm tê liệt thần kinh, dẫn đến tử vong do lượng cồn trong máu vượt quá giới hạn.
Thực tế cho thấy, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ việc lạm dụng rượu bia khiến người ta không khỏi giật mình. Đó chính là những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu không làm chủ tốc độ; hay là những trận ẩu đả, chém giết kinh hoàng do không làm chủ hành vi chỉ vì một lời nói “nghe không được lọt lỗ tai”, một khi đã quá chén.
Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình tai nạn giao thông trên phạm vi cả nước đã giảm đáng kể. Tuy nhiên tai nạn giao thông do sử dụng dụng rượu, bia lại có xu hướng ngày càng gia tăng cả về 3 tiêu chí, mà nạn nhân của nó bao gồm nhiều thành phần, lứa tuổi và giới tính cùng với những hậu quả nặng nề.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã nâng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông lên tới mức 18 triệu đồng, đã phần nào giảm thiểu được tai nạn giao thông. Tuy nhiên vẫn chưa thể ngăn chặn được tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
Việc làm trước mắt và cần thiết nhất vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Hơn lúc nào hết, người tham gia giao thông phải tự hiểu rằng, nếu chưa từ bỏ được thói quen lạm dụng rượu bia thì không nên điều khiển phương tiện giao thông dưới bất cứ hình thức nào. Có như vậy thì họ mới tự bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của bản thân, của người thân và cho cả những người khác khi tham gia giao thông.
Dương Đức Nhuận