Khắc phục hạn chế, bứt phá vươn lên

08/07/2024 06:04

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nghị quyết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Vậy là chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2024, năm “nước rút” thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Nhìn lại, chúng ta không khỏi phấn khởi với những kết quả quan trọng đạt được tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23/NQ-TU ngày 5/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024”.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đảm bảo tiến độ trên nhiều lĩnh vực như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới, số hợp tác xã thành lập mới, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng lượng khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sản lượng ngành công nghiệp chủ yếu. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt; cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đô thị Kon Tum ngày càng phát triển. Ảnh: DĐN

 

Xin được điểm qua vài con số ấn tượng mà quân và dân trong tỉnh đã đạt được trong 6 tháng qua: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8.165,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,47%, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 13.006 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ; thu hút được khoảng 1,445 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh với tổng doanh thu khoảng 370 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch và bằng 96,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần khắc phục triệt để để tạo bứt phá vươn lên trong 6 tháng cuối năm.

Những hạn chế đó là sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn gặp những khó khăn; vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, nhất là trên lâm phần của UBND các xã và diện tích rừng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý. Thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo theo tiến độ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc. Thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm so với năm trước. Chưa kịp thời ban hành quy định đơn giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Tình trạng xây dựng công trình trái phép một số nơi vẫn còn diễn ra; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là do một số sở, ban ngành, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; vai trò, trách nhiệm, tính năng động, tiên phong của người đứng đầu các đơn vị chưa được phát huy đầy đủ. Công tác chỉ đạo điều hành ở một số thời điểm còn chưa quyết liệt, chưa kết hợp tốt giữa công tác giao việc với kiểm tra đôn đốc và xử lý trách nhiệm. Công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ở một số địa phương, chủ rừng còn chậm, lúng túng trong việc huy động lực lượng tại chỗ để bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch xây dựng, an toàn giao thông, giữ gìn trật tự trị an, phòng cháy chữa cháy, khiếu nại tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Một mô hình trồng rau sạch ở thành phố Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N

 

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao nhất, trong 6 tháng cuối năm 2024, các cấp, các ngành phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5/2/2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024 và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của HĐND tỉnh khóa XII về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024; khắc phục có hiệu quả các hạn chế nêu trên, đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tạo bứt phá hoàn thành các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Quy hoạch các vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh. Tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất. Thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2024; tiến độ trồng rừng, cây phân tán và các loại cây chủ lực của tỉnh như sâm Ngọc Linh, dược liệu khác, cây ăn quả, cây mắc ca, mía đường và cà phê xứ lạnh. Tập trung xây dựng nông thôn mới, xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 không còn nhiều, lại trong bối cảnh các cấp, các ngành vừa phải tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, vừa phải chuẩn bị kỹ nội dung, nhân sự và các điều kiện cần thiết để lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Vì vậy, các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao tinh thần đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Với sự quyết tâm cao và sự lãnh đạo quyết liệt của từng cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị, ngành, tin rằng những hạn chế sẽ được khắc phục triệt để để tạo bứt phá hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết 23-NQ/TU đã đề ra.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác