11/08/2016 13:05
|
Về lĩnh vực kinh tế - ngân sách, các đại biểu tập trung vào kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 855.000 triệu đồng, đạt 34,9% dự toán và bằng 86,7% so với cùng kỳ. Tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/6/2016 là 323.284 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% trên tổng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016.
Trước tình hình hụt thu, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, hạn chế, để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, tích cực, nhất là phải quyết liệt hơn trong truy thu nợ đọng thuế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, hầu hết các tổ đại biểu đều quan tâm đến lộ trình trả nợ của các địa phương. Đại biểu Phan Thị Thủy - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, kết quả trả nợ đọng về xây dựng cơ bản của tỉnh đối với dự án do cấp tỉnh quản lý còn nợ 198.313 triệu đồng, năm 2016 đã lồng ghép từ các nguồn vốn thuộc ngân sách do cấp tỉnh quản lý để bố trí trả 88.446 triệu đồng, số còn lại tiếp tục xử lý trong giai đoạn 2017-2020, xem như tạm ổn; đối với dự án do cấp huyện quản lý còn nợ 254.839 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình trả nợ cụ thể.
Về lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu đề nghị tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân bị mất mùa do hạn hán vừa qua; tiếp tục giải quyết đất chồng lấn, để giao đất sản xuất cho dân. Đại biểu Nghe Minh Hồng (huyện Tu Mơ Rông) đề nghị ưu tiên giao đất rừng cho dân phát triển cây trồng dược liệu dưới tán rừng; thực hiện xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay trong giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, có biện pháp xử lý đối với các chủ rừng và các đối tượng để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Đại biểu Võ Thanh Chín (Hội Cựu chiến binh) đề nghị rừng ở khu vực biên giới, nên giao cho lực lượng Biên phòng quản lý, vì ngành chức năng khi tuần tra, kiểm soát khó vào khu vực biên giới, nếu chưa có sự phối hợp.
Về công tác quy hoạch và môi trường đô thị, hầu hết các đại biểu đề nghị chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và khớp quy hoạch; tiến hành rà soát quy hoạch ngành trên một số lĩnh vực như mạng lưới trường học, y tế, thiết chế văn hóa cơ sở...; nên rà soát lại các quy hoạch, tránh quy hoạch treo, công khai cho dân biết dự án nào điều chỉnh, dự án nào tiếp tục thực hiện để có những chính sách phù hợp. Về môi trường, theo phản ảnh của cử tri thành phố Kon Tum, có một số cơ sở sản xuất cao su gây ảnh hưởng đến môi trường như Công ty Cao su Vạn Lợi; việc xử rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum vẫn chưa ổn…
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đã tham gia đối với các nội dung liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, liên quan đến bữa ăn của từng gia đình và trách nhiệm của các ngành Nông nghiệp, Y tế, Công thương… Vì vậy, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, của các ngành chức năng, quy định đầu mối chủ trì, theo dõi về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đồng hành cùng với người sản xuất, chăn nuôi để có sản phẩm sạch đưa ra thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng…
Bên cạnh các nội dung trên, nhiều đại biểu đã có ý kiến tham gia các tờ trình, dự thảo nghị quyết liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cân đối từ ngân sách như: chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; định mức thu học phí giáo dục công lập năm học 2016-2017...
LS