25/11/2024 05:28
|
Tiến hành thảo luận về các dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
|
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), gồm Chương, 95 Điều, quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật quy định cụ thể nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân; ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy họach, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Luật nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người; bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng…
Ngày 23/11 hằng năm được quy định là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và các danh sách của UNESCO phải có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị sau ghi danh và thực hiện việc báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định của UNESCO.
|
Tại Phiên thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến xây dựng luật về tuyển dụng nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; thuyên chuyển nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; việc áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Các ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia gần 3 phiên thảo luận Tổ 8 cùng các ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ đối với các 6 dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đồng chí U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì các phiên thảo luận này.
Tại các phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh đã phát biểu 4 lượt tham gia ý kiến đối với các nội dung này.
Hồ Nam