26/04/2016 12:52
Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam; đại diện một số viện, trung tâm, sở, ban, ngành, doanh nghiệp, UBND các huyện, thành phố và một số vị khách quốc tế.
|
Theo đánh giá, cây sắn là loại cây dễ trồng. Năm 2015, toàn tỉnh phát triển gần 40.000ha sắn. Các giống sắn được trồng nhiều là KM 94, KM419, KM 140, KM 98-5, KM60, KM 84, Hoa Nam 2…, trong đó giống KM 94 chiếm khoảng 77% cơ cấu giống. Tuy nhiên, việc sản xuất sắn ở tỉnh còn theo hình thức quảng canh, người dân ít đầu tư thâm canh. Vì vậy, năng suất sắn bình quân chỉ đạt 14,90 tấn/ha.
Hiện nay, ở tỉnh có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 1 nhà máy chế biến cồn sinh học. Tổng công suất chế biến của các nhà máy đang hoạt động 200.800 tấn tinh bột/năm và 35.000m3 cồn/năm. So với các cây trồng khác, sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn ở tỉnh.
Ở Việt Nam, sản phẩm từ cây sắn chiếm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đứng thứ 4 (sau lúa, cà phê và điều).
Các đại biểu tham gia hội thảo đều khẳng định giá trị cây sắn đem lại và góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc trồng sắn dễ làm cho đất bạc màu. Vì vậy, muốn phát triển bền vững phải đầu tư thâm canh và tiếp tục lựa chọn, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh, phát triển cây sắn bền vững là hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu bền vững nông nghiệp. Phát triển cây sắn cần theo hướng đầu tư thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến và có cơ chế chuyển đổi một số diện tích cây trồng khác không phù hợp sang trồng sắn; cần quy hoạch vùng nguyên liệu, các nhà máy; khuyến khích các nhà đầu tư đổi mới công nghệ chế biến để cho sản phẩm chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm. Các nhà máy có chính sách công khai minh bạch đối với người dân tham gia trồng sắn; xây dựng các mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch, giống; có trung tâm sản xuất và cung ứng giống sắn ở địa phương.
VN