Hội nghị trực tuyến về công tác chống hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng

16/03/2016 07:29

Ngày 14/3, đồng chí Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Đồng chí Nguyễn Hữu Hải chủ trì Hội nghị. Ảnh: V.N

 

Theo báo cáo, do lượng mưa trong năm thấp (chỉ bằng 40-60% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm), mùa mưa lại kết thúc sớm, lượng nước các sông suối, hồ đập liên tục giảm, vì vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hạn hán trên diện rộng, gây thiếu nước sản xuất, sinh hoạt nghiêm trọng và có nguy cơ cháy rừng cao.

Mặc dù các địa phương nỗ lực chống hạn, nhưng tính đến ngày 14/3, toàn tỉnh có 1.192,69ha cây trồng (756,49ha lúa và 427ha cà phê, 3ha bời lời, 5ha rau màu, 1,2ha hồ tiêu) bị hạn, thiếu nước; 4 công trình nước tự chảy đầu mối cạn kiệt nước; khoảng gần 4.000 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy 16,22ha cao su ở huyện Kon Rẫy và 1 vụ cháy trên 0,20ha rừng trồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã bàn nhiều giải pháp chống hạn cứu cây trồng, bảo đảm nước sinh hoạt và PCCCR để giảm thiểu thiệt hại.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hải đề nghị các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo triển khai các biện pháp chống hạn cho cây trồng, PCCCR và coi đây là nhiệm vụ số 1 hiện nay. Đối với diện tích lúa bị hạn, diện tích nào có khả năng cứu được thì tập trung cứu, còn diện tích lúa nào không cứu được thì có chính sách hỗ trợ cho dân chuyển đổi cây trồng khác. Trong công tác chống hạn, cần ưu tiên đặc biệt cho việc bảo đảm nước sinh hoạt cho dân, không để dân thiếu nước. Tập trung rà soát lại các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, giếng nước để có phương án chống hạn hiệu quả; nắm chắc các hộ có khả năng đói giáp hạt, xuất nguồn dự phòng tập trung chống hạn, báo cáo về tỉnh; rà soát lại các công trình thủy lợi lớn, nhỏ và các công trình nước sinh hoạt, xây dựng kế hoạch chiến lược chống hạn lâu dài.

Đối với công tác PCCCR, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các chủ rừng trực 24/24 giờ để nắm chắc mọi diễn biến, khi phát hiện xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng dập tắt kịp thời. Địa phương, chủ rừng nào để ra cháy rừng thì phải chịu trách nhiệm. Các công ty trồng cao su có trách nhiệm chăm sóc vườn cây, làm cỏ chống cháy, không để xảy ra cháy cao su và để lửa cháy lan vào rừng…

VN

Chuyên mục khác