20/05/2016 13:18
|
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Xuân Quí - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, do tình hình hạn hán kéo dài nên tính đến ngày 16/5, trên địa bàn tỉnh có 3.823,41ha cây trồng; trong đó có 1.350,53ha lúa, 2.015,01ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu), 25,32ha rau màu các loại và 432,55ha cây trồng khác bị khô hạn, thiếu nước. Ước thiệt hại khoảng 157 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán đã làm 41 công trình nước sinh hoạt nguồn nước đến của các đầu mối bị cạn kiệt, hạn chế cấp nước sinh hoạt; 7.695 giếng nước bị cạn và có khả năng bị thiếu nước, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của 11.350 hộ dân...
Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống hạn; chỉ đạo các huyện, thành phố, đơn vị liên quan xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các biện pháp khắc phục để giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố, đơn vị, sở ngành rà soát, khoanh vùng những khu vực bị khô hạn có khả năng cứu chữa được để có giải pháp khắc phục ngay. Tỉnh cũng kịp thời trích nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hỗ trợ khắc phục hạn cho các địa phương; phân bổ 17,6 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ để hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra cho các địa phương, đơn vị có liên quan; đồng thời đã kịp thời phân bổ 466,875 tấn gạo Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để cứu đói cho dân tại các vùng xảy ra thiên tai.
Đối với nước sinh hoạt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động xuất nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ nhân dân nạo vét các giếng đào, vận chuyển nước sinh hoạt cấp cho dân ở những khu vực trọng yếu bị thiếu nước nghiêm trọng như huyện Ia H'Drai, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, tổ chức khoan giếng để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch chống hạn lâu dài như khảo sát đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hồ chứa để đảm bảo nguồn nước phục vụ trong mùa khô.
Trước tác động của hiện tượng El Nino và thiệt hại trong sản xuất do hạn hán gây ra, tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân 2016-2017 là 6.130ha, giảm 1.277ha so với vụ đông xuân 2015-2016. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát diện tích, loại cây trồng và giải pháp để xây dựng phương án chuyển đổi sang trồng cây khác có nhu cầu nước tưới ít hơn.
Tại buổi làm việc, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 30 tỷ đồng cho tỉnh để khắc phục hậu quả hạn hán vụ đông xuân 2015-2016; hỗ trợ kéo dài đường ống, sửa chữa cấp bách các công trình cấp nước tập trung và đầu tư một số công trình cấp nước tập trung tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô... với kinh phí 28,24 tỷ đồng; bố trí vốn sửa chữa và nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mà tỉnh đã đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống, khắc phục hạn hán, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để hộ dân nào đói, thiếu nước sinh hoạt. Đồng chí Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát để hỗ trợ người dân về lương thực và cấp nước cho bà con không để người dân thiếu nước, thiếu lương thực; vận động nhân dân xuống giống phù hợp thời vụ và thời tiết, quan tâm thúc đẩy chăn nuôi; xem xét thứ tự để ưu tiên nguồn vốn xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và vận động người dân thực hiện chính sách của Chính phủ, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng ủng hộ thúc đẩy thủy lợi, xây dựng hồ đập để làm căn cơ lâu dài; nhất trí, ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh trong việc xây dựng công trình hồ đập và sẽ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
|
Trước đó, cũng trong ngày 19/5, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra thực tế tình hình hạn hán tại cánh đồng xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum); cánh đồng thôn 1 thị trấn Sa Thầy và tình hình thiếu nước sinh hoạt tại thôn Bình Nam, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy).
Văn Phương