Tăng sức cạnh tranh cho nông sản

18/05/2025 06:01

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị nông sản, từ việc ứng dụng công nghệ cao đến xây dựng thương hiệu và phát triển chuỗi giá trị. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Các tổ chức, cá nhân ngày càng quan tâm xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: TH

 

Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 25/11/2021) của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất theo hướng hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Trong đó, việc xây dựng mã số vùng trồng được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông sản thuận lợi xuất khẩu theo đường chính ngạch và vào các kênh bán hàng hiện đại trong nước.

Cơ sở đóng gói chuối của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân tại huyện Ia H’Drai được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: T.H

 

 Đến nay, tỉnh đã cấp 30 mã số vùng trồng, bao gồm 18 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 325,39 ha, 12 mã số tiêu thụ nội địa với diện tích 104,64 ha và 2 mã số cơ sở đóng gói gồm 1 cơ sở đóng gói chuối 969m2 và 1 cơ sở đóng gói chanh leo. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đàm phán với các nước được phép nhập khẩu phê duyệt 20 mã số vùng trồng.

Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (thành phố Kon Tum) có 2 vùng trồng sầu riêng với diện tích 35,12ha đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Theo ông Bùi Trung Sơn- Giám đốc Hợp tác xã, để được cấp mã số, toàn bộ diện tích nằm trong vùng trồng phải tuân thủ quy định sản xuất an toàn. Quá trình chăm sóc, thu hái phải được ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin như việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng, lượng sử dụng cho đến thông tin về thời gian thu hoạch, khối lượng thu hoạch. Ban đầu có những khó khăn do các thành viên chưa quen lối sản xuất này, nhưng dần mọi thứ đi vào nề nếp. Đặc biệt, khi thấy thành quả mang lại năng suất cao hơn, sản phẩm được bán với giá cao hơn, tiêu thụ dễ dàng, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 35 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số, 5-10 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, mới đây (ngày 8/5), UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1582/UBND-KTN về việc tiếp tục tăng cường công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản có nhu cầu xuất khẩu; khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “nguyên tắc 4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc, đúng cách) sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp trên địa bàn; chủ động kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản đã được cấp mã số vùng trồng.

Song song với việc xây dựng mã số vùng trồng, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền lợi cho sản phẩm đặc trưng. Đến nay, tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công hai chỉ dẫn địa lý là “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận như cà phê xứ lạnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum, ngũ vị tử Kon Tum, dệt thổ cẩm Kon Tum, gạo thơm Đăk Hà và yến sào Kon Tum...Từ đó, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản và tạo được lòng tin với người tiêu dùng, tạo ưu thế cho người sản xuất, kinh doanh.

Việc đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu là bước đi quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị nông sản của tỉnh. Từ đó, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và đóng góp vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Thiên Hương

 

Chuyên mục khác