Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật

18/05/2025 14:09

Hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất và đời sống là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (LHH). Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong những năm qua LHH đã tập trung nâng cao chất lượng công tác truyền thông và phổ biến kiến thức KHKT đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Liên hiệp hội triển khai mô hình trình diễn trồng lúa chất lượng cao. Ảnh: N.N.S

 

Trước hết, LHH tập trung nâng cao chất lượng xuất bản bản tin khoa học kỹ thuật và đời sống mà trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức và phương thức chuyển tải thông tin về kiến thức KHKT. Bản tin đã tập trung khai thác, cập nhật các thông tin, kiến thức KHKT có tính mới, các mô hình, các kinh nghiệm, những cách làm hay trên tất cả các lĩnh vực phù hợp xu thế phát triển và thực tế của địa phương cũng như nhu cầu của người dân về trồng trọt và chăn nuôi để tuyên truyền phổ biến. Với phương châm thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, dễ áp dụng, bản tin đã cung cấp một cách hệ thống nguồn kiến thức bổ ích giúp người dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ  KHKT vào sản xuất và đời sống. Từ đó, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết, thay đổi tư duy, thói quen, cách nghĩ, cách làm lạc hậu để mạnh dạn, tự tin áp dụng KHKT vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng ổn định, bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.

Hàng năm, LHH phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh vận động người lao động, thanh thiếu niên trong tỉnh tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng. Hàng năm Hội thi và Cuộc thi đã thu hút đông đảo các lực lượng tham gia, với hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật của người lao động và các mô hình, sản phẩm của thanh thiếu thiếu niên, nhi đồng gửi đến dự thi. Nhiều giải pháp sáng tạo và mô hình đã đạt các giải cao cấp tỉnh và quốc gia, như Giải pháp “Dashboard chia sẻ dữ liệu SCADA các thiết bị đóng cắt điện trên lưới điện” của Công ty Điện lực Kon Tum đã hỗ trợ, giúp đơn vị vận hành theo dõi, phát hiện và khắc phục nhanh chóng các sự cố bất thường của thiết bị, tạo độ tin cậy cho khách hàng; Giải pháp “Máy phát cỏ sát gốc cây phối hợp với cày xới đất, phay cỏ trong đường hào cao su” của Nông trường Cao su Đăk Hring đã giúp nâng năng suất lên 8 lần, vừa giải phóng sức lao động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, giải pháp “Cải tiến phương pháp gắn nguyên liệu mái che và công thức pha chế keo cây cao su” của Công ty (TNHH MTV) Cao su Kon Tum, đạt giải ba toàn quốc, khi áp dụng đã mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng một năm cho mỗi nông trường; hay mô hình “thiết bị phục hồi chức năng” của em A Danh học sinh lớp 10, Trường PTDTNT huyện Sa Thầy với vật liệu tái chế, rẻ tiền, sẵn có đã sáng tạo ra thiết bị nhiều tính năng, nhiều bài tập giúp người lao động nghèo phục hồi chức năng tay, chân, cột sống, đốt sống cổ; mô hình sáng tạo “Bảo tàng số văn hóa Ba Na” của hai em Trần Phương Bảo Linh và Nguyễn Nam Phương, học sinh lớp 10, Trường THPT Kon Tum đạt giải ba toàn quốc đã tạo nên bảo tàng ảo 3D sống động, hấp dẫn giúp độc giả khám phá, tìm hiểu dễ dàng và phong phú về văn hóa Ba Na đặc sắc. Có thể nói Cuộc thi và Hội thi ngày càng trở thành sân chơi bổ ích, hấp dẫn đối với  những người lao động và các bạn trẻ đam mê sáng tạo, yêu khoa học.

Bên cạnh đó, Hội còn tăng cường phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn về kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng; trình diễn mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giống lúa ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật nuôi dúi; giới thiệu về mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; yêu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Các lớp tập huấn đã giúp người nông dân hiểu được các kiến thức, kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng bảo đảm cho sự phát triển an toàn, bền vững.

Đặc biệt, để giới thiệu sâu các lĩnh vực KHCN, LHH đã phối hợp với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học với nội dung cấp thiết và nhiều người quan tâm như “Chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến phát triển nông thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới”; “Giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh”; “Sản xuất nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0”; “Bảo đảm sinh kế và ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư trong lòng hồ thủy điện”; “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum- Hiện trạng và giải pháp”. Các hội nghị, hội thảo đã cung cấp lượng thông tin khoa học nhiều chiều bổ ích, góp phần không nhỏ vào điều chỉnh, hoạch định chính sách cho sự phát triển ở hiện tại cũng như tương lai của tỉnh.

Hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức là một quá trình liên tục, sự nỗ lực không ngừng của LHH trong việc truyền tải kiến thức KHKT, kinh nghiệm sản xuất cho người dân và đã thu được những kết quả nhất định. Tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm đã có, sự ủng hộ, đồng hành của các nhà khoa học, các địa phương, các tổ chức và cá nhân, nhất định trong thời gian tới  hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức  KHKT của LHH sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Nguyễn Ngọc Sơn

 

Chuyên mục khác