18/05/2025 14:10
|
Xác định rõ vai trò động lực của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, những năm gần đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư, phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng. Từ đó, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 13,37%/năm.
Theo đó, ngành công nghiệp năng lượng đang từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, triển khai xây dựng các công trình thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57/82 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, có 37 công trình đã hoàn thành, với tổng công suất là 405,6 MW; 1 dự án nhà máy điện mặt trời Sê San 4 với công suất 49 MW đã vận hành, 1 dự án điện gió đã hoàn thành thi công. Nhờ đó, sản lượng điện sản xuất không ngừng tăng, từ 1.577 triệu kW năm 2020 lên 3.646 triệu kW năm 2024, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Với lợi thế có các vùng nguyên liệu cao su, mía, mì rộng lớn cùng với nguồn nhân công dồi dào, ngành công nghiệp chế biến được tỉnh khuyến khích phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt trên 1.300 tấn tinh bột/ngày; 13 dự án chế biến mủ cao su tổng công suất thiết kế của các nhà máy đạt trên 90.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất đường với công suất thiết kế 2.500 tấn/ngày; 40 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, sản lượng cà phê bột chế biến đạt 150 tấn/năm. Công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương, để thúc đẩy công nghiệp phát triển, các cấp, các ngành đã đầu tư xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế, 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 128 doanh nghiệp, 393 cơ sở vào đầu tư sản xuất. Trong đó, có những khu, cụm công nghiệp trọng điểm như Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp Sao Mai, Cụm Công nghiệp và Dịch vụ 24/4 Đăk Tô góp phần giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp đã tạo động lực cho các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển.
Mạng lưới thương mại, dịch vụ phủ kín từ thành thị đến nông thôn với sự xuất hiện của các siêu thị lớn như WinMart, Co.op Mart, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh. Hệ thống phân phối này đã đảm nhiệm tốt chức năng là trung gian kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất.
Giai đoạn 2020-2025, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh tăng trưởng bình quân khoảng 11,83%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 16.284 tỷ đồng, từ 22.260 tỷ đồng năm 2020 lên mức dự kiến 38.544 tỷ đồng năm 2025.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh cũng có những bước tiến đáng kể, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh mới đạt 285 triệu USD, đến năm 2024 tăng lên 406 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu cao su thô, tinh bột sắn, cà phê nhân và cà phê hòa tan, dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại. Thị trường xuất khẩu đa dạng như Trung Quốc, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Indonesia, Ấn Độ, Italia, Đức, Đài Loan, Philipines, Nhật, Colombia, Israel, Yemen, Singapore. Đặc biệt, cán cân thương mại đạt được kết quả tốt khi tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với nhập khẩu trong tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, để có những bước tiến này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, ngành Công thương tích cực triển khai, đồng hành giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm OCOP, phát triển thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động, nỗ lực trong việc đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường.
|
Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và thương mại đã tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, góp phần định hình lại cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thiên Hương