22/04/2022 13:07
|
Nằm cách thành phố Kon Tum chừng 17km, làng Weh, xã Ia Chim mang những nét hoang sơ, mộc mạc. A Nớp - người hướng dẫn chúng tôi trong chuyến đi lần này “bật mí”, làng Weh là một trong những làng cổ nhất trên địa bàn xã Ia Chim.
Dù trải qua nhiều biến động của cuộc sống, nhưng hiện tại, làng Weh vẫn giữ được nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của dân tộc Gia Rai. Trong làng, còn nhiều những ngôi nhà sàn gỗ vẫn còn nguyên nét cổ, in đậm dấu ấn của thời gian.
Từ A Nớp tôi biết được, ở làng Weh tỷ lệ nhà sàn chiếm đến 40%. Bà con trong làng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ (gùi, reo, giỏ…) phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình.
Bà con nơi đây sống chan hòa với thiên nhiên và dựa vào những sản vật của thiên nhiên ưu đãi để chế biến ra những món ăn dân dã, đặc trưng, ví dụ: Cơm lam, cá sông nướng trên than củi, cá nấu trong ống lồ ô, các loại củ, quả, rau rừng… Khách du lịch đến đây, nếu muốn dùng bữa, có thể đặt trước để bà con chuẩn bị.
A Nớp tự hào: “Những nét đẹp trong văn hóa, đời sống tinh thần của người dân tộc Gia Rai hầu như được giữ nguyên vẹn. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ đi trước giữ gìn và phát huy. Cứ như thế những giá trị văn hóa truyền thống như qua những lễ hội dân gian, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang, tượng nhà mồ … vẫn tồn tại với thời gian”.
Làng nằm ở vị trí một bên là đồi, một bên giáp sông Đăk Bla chảy dọc theo vành đai từ hướng Đông về Tây và là vùng ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly. Chính vì vậy, nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, “hớp hồn” bất kỳ du khách nào ghé thăm.
Sau khi thăm thú, thưởng ngoạn vẻ đẹp của làng Weh, chúng tôi hướng đến phần được trông đợi nhất trong chuyến du lịch này là bến du lịch của làng Weh và trải nghiệm trên lòng hồ. Theo lời truyền miệng từ những người yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm, bến du lịch và lòng hồ được ví như một “viên ngọc thô”, nhưng không kém phần lấp lánh.
|
Từ hai bên đường dọc xuống bến sông, là màu xanh tươi tốt của cà phê, cao su. Vừa di chuyển, A Nớp vừa giải thích: Phần lớn diện tích đất ở đây đều bằng, tầng đất tương đối dày. Đất đỏ bazan chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng: cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và cây ăn quả. Và xã Ia Chim chọn việc phát triển các loại cây ăn quả để làm thương hiệu của địa phương. Chỉ ít năm nữa thôi, khi làng Weh và bến du lịch phát triển, du khách đến đây sẽ được thưởng thức các loại cây ăn quả.
Tại bến sông, chiếc thuyền máy của anh Bùi Như Thân (thôn Bình Long, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) mà chúng tôi đặt trước đang chờ ở đó. Thấy nhóm chúng tôi đến, anh mở lời chào thân thiện: “Cả nhóm mới lần đầu đến bến du lịch phải không? Lên thuyền đi, để tôi chở vài vòng cho thỏa tầm mắt nhé!”
Sau khi cả nhóm đã lên thuyền, anh Thân không quên phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc áo phao. Khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, chiếc thuyền nổ máy, nhẹ lướt ra xa bờ.
Giữa mênh mông nước, tôi thấy như mình đang lạc vào một vùng miền Tây sông nước nào đó. Mặt lòng hồ tựa như một chiếc gương khổng lồ đang phản chiếu bầu trời xanh ngát. Tôi có cảm giác, chưa bao giờ bầu trời lại trở nên gần đến như vậy, tưởng như chỉ cần đưa tay lên là có thể chạm tới. Chiếc thuyền nhẹ nhàng rẽ nước tạo ra những đường bọt trắng xóa, càng làm khung cảnh thêm nên thơ.
Hai bên bờ, những vạt đất được phủ xanh bởi rừng dầu tái sinh và cây mì của bà con. Theo lời A Nớp, khi bước vào những tháng mùa mưa (từ tháng 4 – tháng 10 hàng năm), mực nước tại lòng hồ sẽ dâng lên cao. Vì vậy, ở khu vực ven bờ, trên cao, bà con vẫn có thể trồng mì tốt. Do đó, cứ vào đầu mùa mưa, bà con trong làng lại tất bật trồng mì để có thêm thu nhập.
Trên thuyền máy, chúng tôi được ngắm nhìn những khung cảnh, có lẽ đẹp nhất vùng đất này. Đó là những đàn cò trắng bay chập chờn tìm mồi nơi nước rút, là cảnh người dân trồng mì trên rẫy hay quăng chài kéo lưới nơi lòng hồ. Thấp thoáng dọc hồ, là cảnh những căn nhà mái lá đơn sơ dựng tạm, là nơi tá túc của bà con khi đi sản xuất, nuôi cá bè. Tất cả những khung cảnh dung dị, mộc mạc, nhưng không kém phần thơ mộng này đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên.
Hòa chung dòng cảm xúc cùng khách, anh Bùi Như Thân cất lời: “Gần 20 năm lái thuyền trên lòng hồ này, tôi vẫn chưa bao giờ chán khung cảnh nơi đây. Dường như ở đây, cuộc sống trôi chậm lại, tách biệt hoàn toàn với sự xô bồ, nhộn nhịp bên ngoài. Đối với tôi, ấn tượng nhất nơi đây chính là quang cảnh lòng hồ khi màn đêm vừa buông xuống. Đây là lúc những căn nhà nuôi cá lồng của bà con người Gia Rai sáng đèn. Sự giao thoa giữa con người với tự nhiên, tạo nên một khung cảnh huyền ảo, lung linh đến khó tả.
Sau 30 phút dạo vòng quanh lòng hồ, chúng tôi quay lại điểm xuất phát. Xuống chiếc thuyền đang dập dềnh con nước của anh Bùi Như Thân, nhưng trong lòng chúng tôi lại không muốn rời xa nơi đây và cố gắng lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ này cho riêng mình.
|
Được biết, trong chuyến khảo sát bến du lịch vào ngày 21/3/2022, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa đã đề nghị chính quyền xã Ia Chim và thành phố Kon Tum nhanh chóng nghiên cứu, xúc tiến làm điểm du lịch nghỉ dưỡng, kết nối tour du lịch giữa thành phố Kon Tum với các điểm du lịch huyện Sa Thầy; trồng cây phủ xanh khu vực, phát triển bến thuyền gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế vùng bán ngập.
Để phát triển du lịch của địa phương, đồng chí Y Geo – Bí thư Đảng ủy xã Ia Chim cho biết: Địa phương sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của làng Weh; giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế; phát triển theo hướng du lịch xanh dựa vào thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng.
Tất Thành