11/11/2024 13:12
Kể về niềm đam mê với thổ cẩm, chị Y Dương cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi), sau khi lấy chồng thì theo về sống tại làng Plei Đôn (phường Quang Trung). Từ nhỏ, chị được mẹ là nghệ nhân ưu tú dệt thổ cẩm nổi tiếng Y Hanh (66 tuổi), hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Kon Klor “truyền lửa” nghề.
Từ năm lớp 3, Y Dương bắt đầu làm quen với sợi len, khung cửi, được ngày đêm xem mẹ, các bà miệt mài dệt những tấm váy đẹp, các món đồ thổ cẩm độc đáo. Cứ thế, chị Y Dương thạo nghề khi còn rất trẻ, tình yêu với thổ cẩm trong chị cũng lớn dần theo năm tháng.
Với niềm yêu mãnh liệt đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là thổ cẩm, chị Y Dương luôn trăn trở làm cách nào để gìn giữ và phát huy được nghề trong nhịp sống hội nhập, hiện đại. Là một người trẻ, năng động, được tiếp xúc nhiều loại hình nghệ thuật mới, chị đã nảy ra ý tưởng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem những nét hoa văn độc đáo của thổ cẩm truyền thống dân tộc để biến tấu, thổi hồn vào những sản phẩm thời trang cách tân, hiện đại.
|
Nghĩ là làm, chị mày mò tự học cắt may, thiết kế các sản phẩm và dần đưa ra thị trường. Được khách hàng đón nhận ngày càng nhiều, chị tăng dần số lượng và hiện nay chỉ tập trung vào việc thiết kế, phần may thuê máy móc, nhân công thực hiện.
Hiện tại, tiệm thổ cẩm của chị Y Dương ở làng Plei Đôn (phường Quang Trung) đang là địa chỉ “hút” khách, được nhiều người ưa chuộng bởi các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cách tân hiện đại. Thời trang cách tân tại cửa hàng của chị Y Dương rất đa dạng từ các bộ trang phục truyền thống cách điệu một ít về hoa văn, đến các chân váy hiện đại, áo sơ mi, quần tây, đầm dạ hội, áo dài có sử dụng hoa văn, họa tiết truyền thống.
Chúng tôi từng ghé thăm tiệm của chị Y Dương vào đầu tháng 11, ai nấy không khỏi trầm trồ, thích thú với không gian bài trí, trưng bày thổ cẩm rất bắt mắt tại cửa hàng. Các sản phẩm đủ các màu sắc, họa tiết truyền thống, thiết kế không chỉ cho dân tộc Ba Na mà còn của một số cộng đồng DTTS khác mà chị Y Dương am hiểu.
Tại cửa hàng, chị Y Dương đang tất bật cùng các chị em của mình sắp xếp, đóng gói gần 600 bộ thổ cẩm để giao cho một đơn vị tại tỉnh Phú Yên đặt mua. Chị chia sẻ, những đơn hàng có số lượng lớn như thế này còn là cơ hội để chị quảng bá, tạo niềm tin cho khách hàng nên chị rất cẩn thận từ khâu đóng gói, giao nhận, theo dõi phản hồi của khách. Ngoài lượng khách trong tỉnh, tiệm của chị thường xuyên có khách đặt mua ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi.
|
“Các sản phẩm dệt máy có giá khoảng 900 nghìn đồng/sản phẩm, dệt tay thì tốn công sức hơn nên bán từ 1,5 – 2 triệu đồng/sản phẩm. Các sản phẩm được chia làm hai loại là hàng thường và hàng thiết kế. Hàng thiết kế sẽ mắc hơn, khi khách có nhu cầu tôi sẽ tự tay thiết kế và thuê thợ riêng để làm, thường là một số sản phẩm đồ truyền thống và các trang phục cách tân như áo dài thổ cẩm, vest thổ cẩm, dạ hội thổ cẩm” – chị Y Dương chia sẻ.
Hiện tại, các sản phẩm thổ cẩm của chị Y Dương được quảng bá, đặt hàng mua bán rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội. Theo chị, ngoài việc bán sản phẩm, đây còn là cách để nhận được những bình luận, phản hồi, ý kiến đóng góp từ bạn bè, khách hàng để mình ngày càng làm tốt hơn, đáp ứng hiệu quả nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Là người có năng khiếu về nghệ thuật, trong đó có múa, chị còn được biết đến là một giáo viên dạy nhảy và là thành viên múa tự do của Vũ đoàn Sắc Xuân Kon Tum. Ở nhiều sự kiện biểu diễn múa cùng Vũ đoàn, chị còn tự tay thiết kế các trang phục truyền thống, đưa những họa tiết hoa văn độc đáo của thổ cẩm vào trang phục biểu diễn với mong muốn lan tỏa tình yêu thổ cẩm đến mọi người.
Nhớ lại quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cách tân, chị Y Dương cho biết, khởi nghiệp bằng con đường thổ cẩm dù mang lại nhiều niềm vui, thành quả nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì đa phần phải tự mày mò học, không qua bất cứ trường lớp nào. Nhưng bằng sự đam mê và tình yêu mãnh liệt với văn hóa truyền thống của dân tộc, sự động viên của người thân và phản hồi tích cực từ khách hàng đã giúp chị đứng vững, đạt được một số kết quả như hôm nay.
Hiện tại, chị Y Dương còn là Tổ phó Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng KonKlor (phường Thắng Lợi), cùng với mẹ mình là bà Y Hanh (Tổ trưởng) dành nhiều tâm huyết để phát triển. Tổ hợp tác thường được du khách ghé thăm, tham quan, trải nghiệm, đặt mua các sản phẩm thổ cẩm truyền thống độc đáo.
|
Nhiều năm nay, chị Y Dương không còn trực tiếp may mà chỉ tập trung vào khâu thiết kế, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thổ cẩm. Bên cạnh các sản phẩm được may công nghiệp với số lượng lớn, đối với các sản phẩm dệt tay truyền thống được khách hàng đặt riêng, chị Y Dương giao lại cho các thành viên của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Kon Klor làm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, chị Y Dương cho biết, bản thân luôn mong muốn đưa văn hóa truyền thống, nhất là của dân tộc Ba Na để quảng bá rộng rãi với bạn bè trong và ngoài nước. Vì vậy, chị luôn tâm niệm sẽ không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình. Trong đó, sẽ tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch trong tương lai để có cơ hội quảng bá các sản phẩm truyền thống và thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê từ các bạn trẻ. Trên chặng đường đó, rất cần sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương và cộng đồng, góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc trên từng sản phầm thổ cẩm.
Dành nhiều tâm huyết với văn hóa truyền thống, chị Y Dương đã chọn thổ cẩm của dân tộc mình làm niềm đam mê, học hỏi, khám phá mỗi ngày và mang lại công việc ổn định cho bản thân và nhiều người khác. Chị Y Dương xứng đáng là một tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Hoàng Thanh