04/11/2024 13:09
Khi tôi đến Trường PTDTNT huyện Đăk Tô thì học sinh đã tan học, tuy nhiên hàng chục em vẫn đang xếp hàng ngay ngắn giữa sân trường, trên gương mặt tràn đầy sự hớn hở, háo hức và vui tươi.
Từ ngoài cổng, một người tiến lại chỗ các em. Từ làn da ngăm đen, khuôn mặt chân chất, cùng nụ cười rạng rỡ trên môi, tôi nhận ra ngay đây là nghệ nhân A Thu (thôn Đăk Rơ Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô). Đối với chúng tôi, nghệ nhân A Thu vốn không còn xa lạ, bởi thường xuyên gặp tại các lễ hội cồng chiêng, xoang do tỉnh, huyện tổ chức. Hôm nay, nghệ nhân A Thu đến đây để dạy các em đánh cồng chiêng, góp phần dìu dắt các em kế thừa, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, xoang.
|
Trông thấy tôi, nghệ nhân A Thu cười vui vẻ: “Tôi được mời hướng dẫn, tập luyện cho đội cồng chiêng của nhà trường. Tôi cảm thấy điều này thật sự ý nghĩa, thiết thực! Bởi trong môi trường giáo dục, các em không chỉ được tiếp xúc với các kiến thức qua môn học, mà còn được trải nghiệm, gắn bó, kế thừa văn hóa cồng chiêng, xoang truyền thống của dân tộc. Qua đó, hun đúc cho thế hệ trẻ tình yêu dân tộc, yêu văn hóa truyền thống và phát huy niềm tự hào của dân tộc mình”.
Sau khi những bộ cồng chiêng được soạn sửa đầy đủ, buổi tập luyện cho đội cồng chiêng của nhà trường bắt đầu. Giọng của nghệ nhân A Thu trầm lắng, từ tốn hướng dẫn các em: “Giai điệu trong từng bài cồng chiêng của người Xơ Đăng có những nét đặc trưng riêng. Nếu như các bài cồng chiêng của các DTTS khác thường mang tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ, gây ấn tượng mạnh cho người thưởng thức, thì các bài cồng chiêng của người Xơ Đăng lại có giai điệu, tiết tấu nhẹ nhàng, chậm rãi, cuốn hút”.
Từ thời xa xưa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã hiện diện trong đời sống của người Xơ Đăng. Tiếng cồng, tiếng chiêng gắn liền với mỗi người con Xơ Đăng từ khi sinh ra, trưởng thành và cả khi mất. Trong các lễ hội tại làng, cồng chiêng không thể thiếu. Tiếng cồng chiêng là đại diện cho cái hồn mà các thế hệ người Xơ đăng tiếp nối nhau gìn giữ. Trong các lễ hội có cồng chiêng, những người phụ nữ kết với nhau thành những vòng xoang, tạo nên những điệu múa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
|
Theo nghệ nhân A Thu, một bộ cồng chiêng của người Xơ Đăng gồm 13 bộ phận. Mỗi bộ phận đều tạo ra những âm thanh khác nhau, chính vì vậy, bản thân người đánh phải tự cảm nhận để có thể điều khiển chúng theo ý muốn. Càng gắn bó với cồng chiêng nhiều, người đánh càng có thể cảm nhận âm thanh một cách rõ ràng, sắc nét và tạo ra những âm thanh theo đúng ý của mình.
Càng luyện tập, các em học sinh ngày càng hăng hái thể hiện cái hồn của dân tộc mình qua tiếng cồng, tiếng chiêng và điệu xoang mượt mà theo các bài chiêng “Mừng lúa mới”, “Bắt máng nước”, “Mừng nhà rông” vốn in sâu trong ký ức của mỗi người con Xơ Đăng. Âm thanh cứ thế vang vọng cả sân trường.
Quan sát các em luyện tập, tôi dường như cũng bị cuốn hút, say mê theo âm thanh trong trẻo, vui tai. Cô Vũ Thị Hồng Minh – Hiệu trưởng nhà trường đã đến bên cạnh tôi từ lúc nào không hay. Giọng cô Minh như kéo tôi trở về với thực tại: “Em thấy thế nào? Có hay không? Đây là niềm tự hào của trường đấy! Đội cồng chiêng, xoang của trường gồm 30 em học sinh (đa phần là người Xơ Đăng) và bổ sung theo từng năm học. Hằng năm, các em đều tham các giải do địa phương tổ chức và đạt nhiều thành tích cao. Tiêu biểu như vừa qua, các em đã tham gia Ngày hội văn hóa các DTTS của huyện Đăk Tô lần thứ IV, đạt giải Ba toàn đoàn; tham gia Hội thi Cồng chiêng, xoang các trường PTDTNT do Sở GD&ĐT tổ chức đạt giải Ba toàn đoàn”.
Theo tìm hiểu, trong nhiều năm qua, Trường PTDTNT huyện Đăk Tô xác định việc giáo dục giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy, sáng tạo. Tạo động lực để các em thi đua học tốt, rèn luyện tốt, gắn bó hơn với mái trường và quê hương. Năm 2020, trường được Sở GD&ĐT trang bị cho 01 bộ cồng chiêng. Đây là cơ sở để Trường thành lập đội cồng chiêng, xoang trong học sinh và duy trì đến tận bây giờ.
Trong năm học 2024-2025, trường có 421 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, trong đó 398 học sinh DTTS (dân tộc Xơ Đăng chiếm tỷ lệ là 78%). Với tỷ lệ học sinh dân tộc Xơ Đăng cao, nên phong trào cồng chiêng, xoang trong Trường luôn được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ.
|
“Thông qua việc lan tỏa văn hóa cồng chiêng, xoang trong trường học, chúng tôi mong muốn cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vốn văn hoá truyền thống của dân tộc; hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hoá truyền thống của địa phương; bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương” – cô Minh bày tỏ.
Để tạo điều kiện văn hóa cồng chiêng, xoang phát triển trong môi trường giáo dục, Trường bố trí thời gian luyện tập cho các em vào sau các giờ học chính khóa, vào các giờ nghỉ của các em tại Trường.
Em A Chiêng – học sinh lớp 9 của Trường cởi mở: “Thời gian đầu tham gia đội cồng chiêng, xoang của trường, em còn bỡ ngỡ. Nhưng dần dần, qua các buổi luyện tập, em cảm thấy rất thú vị, hào hứng. Em được các anh trong đội hướng dẫn tận tình, được nghệ nhân A Thu giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của cồng chiêng, được chỉ bảo, hướng dẫn cách sử dụng từng loại chiêng. Giờ đây, em ngày càng yêu quý cồng chiêng hơn, không một buổi tập nào mà em không tham gia”.
Sau nhiều giờ miệt mài, buổi tập luyện cồng chiêng, xoang ở sân trường kết thúc, dù có chút mệt mỏi, nhưng trên gương mặt các em học sinh là sự tươi vui, phấn khởi.
Rời Trường PTDTNT huyện Đăk Tô trong chiều muộn, từ những gì cảm nhận được, tôi tin rằng các thế hệ trẻ người Xơ Đăng nói riêng và DTTS nói chung ở trường sẽ tiếp tục kế thừa để văn hóa cồng chiêng, xoang mãi mãi được duy trì và phát triển.
Tất Thành