12/04/2021 06:09
Tháng 4 đang là cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, nhưng bên trong ngôi nhà sàn của nghệ nhân ưu tú tạc tượng gỗ dân gian A Gông (ở làng Kon Du, xã Măng Cành) thỉnh thoảng vẫn có những cơn gió thổi mát rượi lùa vào. “Thời tiết mùa này ở đây là vậy, dù trời có nắng nóng nhưng vẫn không thể thiếu không khí mát mẻ đặc trưng của vùng Đông Trường Sơn”, nghệ nhân A Gông vừa rót nước mời chúng tôi vừa nói.
Từ khi còn nhỏ, nghệ nhân A Gông đã thích tạc tượng gỗ. Mỗi lần người thân trong gia đình hay người làng tạc tượng gỗ, ông đều chăm chú ngồi xem. Vì đam mê nên ông chịu khó học hỏi, luyện tập rồi trở thành người tạc tượng gỗ thuần thục khi mới 20 tuổi. Phát huy được năng khiếu của bản thân, ông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, ngày hội tạc tượng gỗ dân gian trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình truyền dạy lại việc tạc tượng gỗ cho các thanh, thiếu niên trong làng.
|
“Để trở thành người tạc tượng gỗ giỏi, ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo còn cần có đức tính cẩn thận, kiên trì và nhẫn nại, bởi mọi ý tưởng, nhát chặt bằng rìu, nhát chặt bằng rựa hay đục bằng dao đều có sự tính toán và cần độ chính xác cao. Tạc sai một lần có thể phá hỏng ý định, hình dáng tổng thể của cả pho tượng đã xây dựng trước đó”, nghệ nhân A Gông cho biết.
Tìm được người có năng khiếu tạc tượng gỗ đã khó, thuyết phục họ học rồi truyền dạy còn khó hơn. Tuy nhiên, với sự cố gắng của nghệ nhân A Gông cùng nhiều người lớn tuổi khác trong làng, hiện nay ở làng Kon Du có rất nhiều thanh niên biết tạc tượng gỗ, như A Rể, A Naia, A Niêm, A Ia. Đặc biệt, ở làng Kon Du còn có một số phụ nữ biết tạc tượng gỗ.
Theo chia sẻ của nghệ nhân A Gông, không giống các dân tộc khác, tạc tượng gỗ gắn liền với tục làm nhà mồ, người Mơ Nâm ở làng Kon Du tạc tượng gỗ để tái hiện lại hình ảnh và tưởng nhớ người thân, người cao tuổi trong làng đã mất. Hình ảnh tượng được tạc thường được chọn gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày, có thể là hình ảnh cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu đi rừng, ông già đánh cồng chiêng, ông già cầm giáo, bà già giã gạo, bà già xách nước…
Thông thường, những pho tượng có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 15cm, chiều dài khoảng 30-40cm. Hàng năm, khi đến các lễ hội của làng như lễ hội mừng chuồng trâu, người làng Kon Du sẽ cầm pho tượng trên tay rồi nhảy theo hình tròn trong nhà sàn hoặc ngoài sân cả đêm trong âm thanh cồng chiêng. Đến sáng sớm hôm sau, trước khi ra đồng gieo sạ, người làng sẽ ra phía sau nhà, cắm pho tượng trước chuồng trâu, gieo khoảng 20-30 hạt lúa xung quanh pho tượng để tổ tiên phù hộ cho gia đình có được một mùa vụ bội thu.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, ngoài sử dụng công cụ rìu để phá thân gỗ, rựa để tạo hình thô và dao để tạo hình chi tiết, người làng Kon Du còn sử dụng bộ công cụ điêu khắc gỗ của thợ mỹ nghệ để thuận lợi và dễ dàng trong việc tạo hình các chi tiết nhỏ cần sự tỉ mỉ, như khuôn mặt, đôi mắt, ngón tay, ngón chân, hoa văn trên trang phục…
Ngoài tạc những pho tượng nhỏ để cầm trên tay, người làng Kon Du còn tạc những pho tượng lớn có đường kính 40cm, chiều cao 1,5m, để giao lưu với các dân tộc bạn. Vật liệu để tạc thường là gỗ cà chít, dổi, sơn đỏ, bởi đây là những cây có khả năng chống mối mọt và chống nứt cao.
|
“Mỗi lần tham gia giao lưu tạc tượng gỗ dân gian với các dân tộc khác, chúng tôi có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa điêu khắc dân gian của người Mơ Nâm, thể hiện trình độ, sự khéo léo của bản thân và được học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm thông qua kỹ thuật tạc tượng gỗ của các dân tộc khác. Như lần giao lưu tạc tượng gỗ dân gian với dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi học cách tận dụng tối đa những cây gỗ bị mục, bị cong để sáng tạo và tạc ra những pho tượng phù hợp với hình dáng của cây gỗ đó”, nghệ nhân A Gông cho hay.
Với những người tạc tượng gỗ dân gian ở làng Kon Du, cái hồn nằm trong mỗi pho tượng được thể hiện qua hình dáng cơ thể và khuôn mặt. Khuôn mặt, đôi mắt, chân mày, gò má, đôi tai, cái mũi, tất cả phải giống với người lúc còn sống. Tướng mạo họ thế nào, họ sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất ra sao, người tạc tượng phải dùng trí nhớ của mình để tạc lại thật chính xác lên pho tượng.
Nghệ nhân A Gông cũng vậy, những hình ảnh, kỷ niệm với người thân, người lớn tuổi trong làng đã mất ông luôn nhớ rõ và khắc ghi trong lòng. Để rồi mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi trước nhà sàn của gia đình, tạc những pho tượng gỗ để tưởng nhớ, gửi gắm tình cảm với những người đã mất.
Ánh chiều dần buông rọi lên những pho tượng nhỏ trước chuồng trâu. Nghệ nhân A Gông chia sẻ rằng, vào lễ chuồng trâu năm sau, dân làng sẽ nhổ pho tượng lên đem đi cất và tạc một pho tượng khác để thay thế vào. Có như vậy, cánh đồng trồng lúa của dân làng mới mãi xanh tốt, trĩu bông.
ĐỨC THÀNH