Phế tích Hơnang Bia

24/10/2016 18:09

Theo các nhà nghiên cứu, Kon Tum có những "địa tầng văn hóa" bí ẩn đầy sức cuốn hút vẫn chưa được khám phá hết. Ngay bên dòng Đăk Bla thơ mộng, hiện vẫn còn lưu giữ những dấu tích của người Chăm, mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là một trong những di tích văn hóa Chămpa cổ nhất ở Tây Nguyên...

Kon Tum được ví như một vùng đất huyền thoại. Theo các nhà nghiên cứu, vùng đất này có những "địa tầng văn hóa" bí ẩn đầy sức cuốn hút vẫn chưa được khám phá hết, khiến các nhà khảo cổ không khỏi ngỡ ngàng "chạm vào lòng đất" và lắng nghe "hơi thở, tiếng nói" của đất. Không nói đâu xa, ngay bên dòng Đăk Bla thơ mộng, hiện vẫn còn lưu giữ những dấu tích của người Chăm, mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là một trong những di tích văn hóa Chămpa cổ nhất ở Tây Nguyên...

Đi tìm di tích

Chị Y Tru ở làng Kon Klor 2 (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), dẫn chúng tôi băng qua mấy khu vườn để đến khu vực phát hiện di tích của người Chăm.

Theo tay chị chỉ, khu vực này là rẫy mì vừa mới được thu hoạch của bà Y Trân có diện tích khoảng 1.000m2. Vì thời gian đã quá lâu, cộng với sự can thiệp, tác động của người dân sinh sống ở đây đã làm cho những dấu vết của di tích này dần biến mất.

Loay hoay mãi, tôi và người cán bộ Bảo tàng tỉnh cũng tìm thấy được những vết tích còn sót lại của người Chăm. Trước mắt chúng tôi là những mẩu gạch vỡ còn sót lại, nằm rải rác, trải dài khoảng 20m, được người dân khi sản xuất nhặt xếp gọn bên gốc chuối, tạo nên một gờ đất nổi trên toàn bộ bề mặt khu rẫy…

Nơi phát hiện khu vực di tích tại rẫy mì của bà Y Trân, làng Kon Klor. Ả: D.Đ.N

 

Những mẩu gạch bị vỡ này là một loại gạch không bị rêu mốc, giống loại gạch lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh được tìm thấy trước đây - người bạn làm công tác bảo tàng tỉnh giải thích với tôi.

Chị Y Tru cho biết: Trước đây, chị nghe ông bà nội kể lại khu vực này cây phủ rậm rạp, bên trong có một ngôi mộ của một công chúa người Chăm hay người Lào gì đó, lớn lắm…

Viên gạch còn nguyên vẹn được linh mục Trần Văn Truyền cất giữ cũng được tìm thấy tại làng Kon Klor. Ảnh: D.Đ.N

 

Chúng tôi tìm đến Nhà thờ Chánh Tòa (Nhà thờ Gỗ, thành phố Kon Tum), nơi còn lưu giữ những viên gạch nguyên vẹn của di tích Chăm nói trên; Linh mục Trần Văn Truyền cho biết: Trước đây, linh mục của Tòa Giám mục Kon Tum đã nhờ những người dân ở làng Kon Klor gùi một số viên gạch được lấy từ di tích tại làng Kon Klor, về cất giữ trong kho. Sau này có nhiều nhà nghiên cứu ở nơi khác đến tìm hiểu, ông đã biếu tặng cho họ hết, hiện chỉ giữ lại một viên còn nguyên vẹn.

Theo Linh mục Trần Văn Truyền, viên gạch nói trên được sản xuất một cách đặc biệt, không thấm nước và cũng không bị rêu mốc. Những viên gạch này cùng kích cỡ và đặc điểm như những viên gạch không còn nguyên vẹn, được lấy từ di tích ở làng Kon Klor, đang được cất giữ tại Bảo tàng Kon Tum.

Phế tích Hơnang Bia

Theo tiếng Ba Na, nhánh Rơ Ngao, thì Hơnang có nghĩa là mộ, Bia có nghĩa là công chúa, nàng tiên hay người đẹp - Hơnang Bia có nghĩa là mộ của công chúa.

Theo truyền thuyết của dân làng Kon Klor, xưa kia khu vực này có rất đông người Prum hoặc Drang (đều chỉ người Chăm) sinh sống. Khi ấy, họ đã xây dựng dinh thự cho một nữ hoàng tên gọi là Chonang Bya. Sau đó họ dời đi, khu vực này bị bỏ hoang phế.

Vào năm 1886, đoàn thám hiểm đầu tiên đặt chân đến nơi này là ông Navelle - phụ trách các vấn đề bản địa (người Pháp), đã phát hiện ở Kon Tum có một tư liệu bởi nhà truyền giáo Dourisboure - người từng ở khu vực này từ năm 1850, liên quan đến một bức tượng nằm trong khu vực Kon Klor, cách thành phố Kon Tum ngày nay khoảng 4km về phía đông.

Ông Navelle đã qua sông đến làng Kon Klor, nhưng bức tượng đã biến mất. Tất cả những gì còn sót lại là những viên gạch tương đối nguyên vẹn và một phiến đá được sử dụng như một cái bệ, được cho là có dấu ấn của người Chăm.

Năm 1918, Linh mục Jeannin (người Pháp) đã phát hiện và báo cáo cho Viện Viễn đông Bác Cổ phiến đá nói trên đã bị người dân địa phương tiêu hủy khi đào bới lấy gạch.

Những năm sau nữa, học giả người Pháp Henri Maspero du khảo các vùng cao nguyên, tham quan những nơi đã tìm thấy di tích Chăm. Ông này đã mô tả vị trí Kon Klor nằm trong một khu rừng được gọi là “Chonang Bya”, và báo cáo rằng khu vực này đã được khai quật ở độ sâu 1m, một vòng tròn dày lát gạch với cổ vật thu được gồm hai cái bình dùng làm lễ tẩy trần, một tấm bia đá có khắc chữ, ba bệ đá dường như có liên quan đến những chiếc bình nói trên…

Sau này, những chiếc bình trên được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ X (914 SCN), điều này đã minh chứng cho thấy các di tích Chăm được tìm thấy có niên đại cổ xưa nhất.

Các học giả người Pháp lúc bấy giờ cũng cho rằng, những dòng chữ liên quan đến các di tích nói trên, cung cấp cho họ biết được người xây dựng công trình trên là một tù trưởng địa phương mang tên Mahindravarman…

Theo lời kể của dân làng Kon Klor, trước kia tại vị trí di tích nói trên còn có một cây cổ thụ to và một cây Kơnia đối diện. Vào năm 1993, khi tách hộ lập vườn, người dân ở đây đã chặt hạ hết. Tại đây chỉ còn sót lại những viên gạch mà người dân gọi là gạch của người Prum xưa kia.

4 viên gạch không nguyên vẹn được cho là văn hóa Chămpa tìm thấy ở làng Kon Klor, được cất giữ tại Bảo tàng Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N

 

Xung quanh những dấu ấn về phế tích trên, trong ký ức của ông A Phol (sinh năm 1937) – Già làng Kon Klor, người đã từng nghe những người già nhất làng kể lại: Người Prum đã tới ở đây rất đông, họ đông giống như những trái me ở trên cây to vậy…

Ngày 19/1/2015, Bảo tàng Kon Tum cũng đã có chuyến khảo sát tại khu vực di tích Chăm ở làng Kon Klor, và cũng chỉ lấy về những gì còn sót lại của phế tích - vỏn vẹn 4 viên gạch không nguyên vẹn như nói ở trên…

Trong tham luận tại Hội thảo “Văn hóa Chăm ở Tây Nguyên, Thực trạng và giải pháp bền vững” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2016 vừa qua; PGS. TS Phan An (nhà nghiên cứu sử học) đã nhận xét: “Di tích này (chỉ phế tích Hơnang Bia) có ý nghĩa đặc biệt trong việc nghiên cứu về văn hóa Chămpa trong thời kỳ ảnh hưởng Phật giáo. Và với đặc điểm di tích ở Kon Tum cách xa trung tâm tôn giáo Chămpa, khu vực duyên hải Trung bộ Việt Nam là điều đáng chú ý”.

Những dấu ấn văn hóa Chăm ở Kon Tum đã đem lại cho Kon Tum một diện mạo đa dạng, đa văn hóa, có một bề dày về lịch sử trong tiến trình phát triển vùng đất Kon Tum từ xưa đến nay.

Rất tiếc, cho đến hiện tại, những tài liệu liên quan đến di tích Chămpa tại Kon Klor chỉ là những ghi chép của những học giả và truyền giáo phương Tây, trong đó có một số ít của các nhà nghiên cứu trong nước, chứ chưa có một đề tài nào mang tính khoa học được xây dựng và nghiên cứu sâu…

Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác