Nữ nghệ nhân đam mê văn hóa truyền thống

17/08/2021 13:11

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, nhiều năm qua, nghệ nhân Y Trech (57 tuổi) ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn say mê học hỏi và nghiên cứu thêm những giá trị văn hóa dân gian để làm giàu cho vốn hiểu biết của mình. Ngoài sở trường hát dân ca, bà Y Trech còn dệt được thổ cẩm và hiểu biết nhiều kiến thức văn hóa truyền thống.

Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, theo sự chỉ dẫn của Trưởng thôn A Bruk (làng Kon Klor), chúng tôi đến thăm tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại nhà rông Kon Klor. Tại đây, chúng tôi được gặp và trò chuyện với nghệ nhân Y Trech. Bà được mọi người trong làng biết đến như một tấm gương về niềm say mê với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong căn phòng rộng rãi của tổ hợp tác vang lên những tiếng lách cách đặc trưng của chiếc khung gỗ dệt thổ cẩm. Nghệ nhân Y Trech đang miệt mài bên khung cửi, thoăn thoắt các động tác luồn sợi, kéo sợi, thấy chúng tôi đến liền dừng tay và ra trò chuyện cùng.

Với nụ cười thân thiện, mến khách luôn nở trên môi, bà Y Trech vui vẻ giới thiệu về các công đoạn làm nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc bắt mắt mà chúng tôi đang chiêm ngưỡng. Bà cho rằng trong tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na, sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt thủ công không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa. Thổ cẩm của người Ba Na thường sử dụng các màu chủ đạo như đen, đỏ, vàng để tạo nên những bộ trang phục gây ấn tượng mạnh mẽ về màu sắc. Các vật dụng bằng thổ cẩm của người Ba Na ngoài làm trang phục trong mỗi dịp lễ hội, còn có thể làm các vật dụng trong nhà, trong đám cưới hoặc đám hỏi.

Bà Y Trech giới thiệu một số sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà dệt. Ảnh: HT

 

Vừa nói, bà Y Trech vừa mở tủ kính mang ra những xấp thổ cẩm do bà mới dệt xong như áo, chân váy, vải vóc các loại để giới thiệu cho chúng tôi. Bà nhẹ nhàng treo từng tấm vải lên cao để chúng tôi dễ quan sát, vừa kể: “Tôi chỉ mới biết dệt vài năm gần đây nhưng đam mê với nghề thì đã ấp ủ từ lâu, đến nay mới có điều kiện để học. Lúc mới tập rất khó, nhưng qua vài lần được các nghệ nhân trong làng chỉ dạy nên tôi học rất nhanh. Từ lúc biết dệt đến giờ, tôi đã làm được khá nhiều áo, váy và vải vóc để tự sử dụng tại nhà, một số ít thì đem bán để tăng thu nhập”.

Bà Y Trech cho biết, để dệt đẹp thì phải có niềm đam mê, cộng với một chút khéo tay, am hiểu các loại họa tiết hoa văn. Cũng theo bà, dệt phải qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất là vắt sợi vì không phải ai cũng làm được, đòi hỏi phải có bí quyết và thạo nghề. Vắt sợi là công đoạn hết sức quan trọng để cho ra những tấm thổ cẩm đẹp, độc đáo.

Đến nay, nghệ nhân Y Trech xem việc đan dệt như một niềm đam mê, vừa góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống và cũng như để xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả trên rẫy. Cùng với niềm đam mê dệt, bà Y Trech còn dành tình yêu lớn cho hát dân ca, cũng là sở trường của bà từ lúc nhỏ. Nhiều người  biết đến bà là một nghệ nhân hát dân ca xuất sắc của làng, có nhiều đóng góp trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của làng Kon Klor.

Nghệ nhân Y Trech đang chỉ dạy các cháu về ca từ của những bài hát dân ca. Ảnh: H.T

 

Dẫn chúng tôi về nhà riêng, bà Y Trech mang ra tập vở được chép kín mít các bài hát dân ca truyền thống mà bà thuộc. Vừa đọc to từng lời bài hát cho chúng tôi nghe rõ, bà vừa chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được nghe và được học dân ca từ mẹ và những người già trong làng. Mỗi khi nghe họ hát thì tôi chăm chú theo dõi và hát theo. Dần dần, những bài hát thuộc lòng từ cha mẹ đã cho tôi cảm được nhịp, tiết tấu và từng ca từ lời hát. Vì vậy, khi lớn lên, tôi có thể nhớ và hát lại những bài dân ca dài chỉ sau vài lần nghe”.

Ngoài những bài dân ca lâu đời được truyền dạy, nghệ nhân Y Trech còn tự học hỏi và sưu tầm nhiều bài hát của một số nghệ nhân của làng lân cận, chủ yếu là các bài hát ru. Sợ lâu ngày sẽ quên ca từ nên mỗi khi rảnh, bà Y Trech lại dành thời gian để chép các bài hát nhằm lưu giữ chúng.

Bà Y Trech chia sẻ: “Dân ca của người Ba Na gồm có sử thi, hát ru và những bài cúng trong các dịp lễ hội. Tôi chủ yếu đam mê hát ru. Ngoài ra, vẫn thuộc một vài bài cúng tế trong các dịp lễ hội nhưng ít khi sử dụng. Hát ru của người Ba Na mang một đặc trưng riêng so với các dân tộc khác ở cách hát, nhịp điệu và ca từ vì ảnh hưởng của môi trường sống tự nhiên ngày xưa. Ca từ của những bài hát ru thường gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ Ba Na địu con trên lưng đi tỉa bắp, giã gạo. Hát ru không chỉ bằng lời mà bằng cả chuyển động nhịp nhàng của cơ thể như để minh họa thêm cho lời hát”.

Ngoài đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Y Trech cũng luôn ý thức truyền lửa niềm đam mê ấy cho lớp trẻ về sau. Theo bà, những làn điệu dân ca Ba Na còn lại ngày nay đều ở dạng truyền miệng qua trí nhớ của người già nên đã bị mai một khá nhiều, vì thế khi truyền dạy lại cho lớp trẻ phải được chép lại bằng chữ cẩn thận. Cũng theo nghệ nhân Y Trech, lớp trẻ hiện tại ít đam mê với văn hóa truyền thống, ngay tại gia đình bà, trong số nhiều đứa con cháu cũng chẳng mấy ai theo học.

“Lớp trẻ hiện nay bị cuốn theo nhịp sống hiện đại nên không còn thấy những ca từ, hình ảnh trong các lời hát ý nghĩa. Để làm cho lớp trẻ hiểu và yêu thích văn hóa truyền thống cần có giải pháp nào đó gìn giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc” – bà Y Trech bộc bạch.

Tạm biệt nghệ nhân Y Trech, chúng tôi hi vọng bà luôn giữ mãi sự nhiệt huyết, đam mê của mình về văn hóa truyền thống để góp phần giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc Ba Na.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác