23/11/2021 13:04
Người dân trong làng Kon Tum Kơ Nâm cho biết, nhà rông cũ của làng trước đây bị xuống cấp và có hiện tượng bị nghiêng do ảnh hưởng bởi đợt mưa bão vào cuối năm 2016 nên buộc phải tháo dỡ vào năm 2017 để bảo đảm an toàn cho dân làng. Nhà rông khi ấy được làm hầu hết bằng vật liệu tự nhiên, chỉ có phần mái được lợp tôn và đã đưa vào sử dụng được hơn 6 năm thì xuống cấp, hư hỏng.
“Có lẽ vì được lợp mái tôn nên nhà rông đã không trụ nổi sau những đợt mưa lớn, gió mạnh và nhanh chóng hư hỏng”, một người dân trong làng Kon Tum Kơ Nâm nhận định vì sao nhà rông trước đây mau xuống cấp, hư hỏng.
|
Lúc bấy giờ, nhà rông- linh hồn và biểu tượng của làng buộc phải dỡ bỏ, mọi người dân Kon Tum Kơ Nâm đều buồn và cảm thấy trống trải. Dân làng cảm thấy như thiếu đi một cái gì đó vừa thân thuộc vừa linh thiêng trong đời sống cộng đồng người Ba Na bấy lâu nay. Bởi, nhà rông ấy không chỉ là công trình văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, họp bàn những công việc quan trọng của làng, mà còn là sự kết tinh của tình đoàn kết, niềm tin, chung sức đồng lòng và vượt qua khó khăn của người dân Kon Tum Kơ Nâm.
Bà Y Hlưr- Bí thư Chi bộ thôn Kon Tum Kơ Nâm nhớ lại, lúc bấy giờ (vào khoảng đầu năm 2010) để có đủ vật liệu dựng nhà rông, người dân trong làng chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 40 hộ với lực lượng chủ chốt là đàn ông có sức khỏe tốt, đàn ông lớn tuổi có kinh nghiệm trong việc dựng nhà rông và phụ nữ đi theo để nấu cơm, thay nhau ở ròng rã trong rừng suốt 1 tháng, tại khu vực giáp với xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) để tìm kiếm những cây le, cây nứa, dây mây mang về.
Ngoài góp ngày công, mỗi hộ trong làng Kon Tum Kơ Nâm còn chung tay đóng góp số tiền 300.000 đồng để có kinh phí dựng nhà rông. Dù thời điểm đó, 300.000 đồng đối với mỗi hộ dân là không hề nhỏ.
Hỗ trợ dân làng Kon Tum Kơ Nâm dựng nhà rông, UBND thành phố Kon Tum tạo điều kiện cho dân làng vào rừng tìm vật liệu, hỗ trợ nhu yếu phẩm cùng xe tải chở vật liệu.
|
Sau 1 tháng thay nhau bám rừng sâu tìm nguyên vật liệu, rồi 1 tháng ngâm các vật liệu trong bùn để tránh mối mọt và 2 tháng dựng, cuối cùng nhà rông của làng Kon Tum Kơ Nâm cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con dân làng. Chỉ tiếc một điều, năm đó dân làng Kon Tum Kơ Nâm không tìm được đủ nguồn cỏ tranh để lợp mái nên phải dùng tôn để thay thế.
“Theo truyền thống của dân tộc Ba Na, làng không có nhà rông thì không phải là làng”, bà Y Hlưr khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi về truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của người Ba Na, việc làng không có nhà rông là điều rất khó chấp nhận. Trong quan niệm của người Ba Na từ xa xưa thì “làng không có nhà rông là làng đàn bà”.
Cũng chính vì truyền thống văn hóa của dân tộc Ba Na, sau khi tháo dỡ nhà rông cũ vào đầu năm 2017, dân làng Kon Tum Kơ Nâm đã tiến hành họp bàn để triển khai kế hoạch dựng lại nhà rông cho làng. Nhà rông mới được xây dựng ngay tại vị trí của nhà rông cũ đã tháo dỡ trước đây.
Với sự đồng thuận cao, gần 230 hộ dân làng Kon Tum Kơ Nâm đều thống nhất mỗi hộ ngoài đóng góp ngày công còn đóng thêm số tiền 600.000 đồng, 6 bó cỏ tranh, 10 cây le và 10 cây nứa (mỗi cây dài từ 5-10m) cùng vài cuộn dây mây.
Đầu năm 2020, chính quyền địa phương quyết định trích nguồn sách Nhà nước hơn 620 triệu đồng để hỗ trợ làng Kon Tum Kơ Nâm xây dựng nhà rông. Quyết định này đã đem đến sự vui mừng khôn xiết của dân làng Kon Tum Kơ Nâm.
“Tất cả người dân trong làng mong muốn sử dụng hoàn toàn vật liệu tự nhiên để xây dựng lại nhà rông với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Thế nhưng hiện nay nguồn vật liệu này khan hiếm nên dân làng đành thống nhất phương án kết hợp giữa vật liệu tự nhiên và bê tông cốt thép”, bà Y Hlưr cho hay.
Cuối năm 2020, dân làng Kon Tum Kơ Nâm bắt đầu lên rẫy cắt cỏ tranh, đồng thời vào rừng tìm kiếm các vật liệu tự nhiên khác, sau đó đem về ngâm bùn và gác lên nơi cao ráo để hong cho khô.
Tháng 7/2021, trải qua 20 ngày đơn vị thi công hoàn thành việc xây dựng phần cột trụ, sàn nhà, nhà chồ bằng bê tông và phần mái bằng khung thép, dân làng Kon Tum Kơ Nâm mới bắt đầu lợp mái tranh và đan, lắp các tấm phên vách bằng le, nứa.
Suốt 10 ngày sau đó, mỗi ngày dân làng Kon Tum Kơ Nâm đều duy trì lực lượng trên 30 người để dựng nhà rông.
|
So với nhà rông cũ, nhà rông mới có phần sàn cao, diện tích sàn lớn, rộng và chứa được nhiều người hơn. Dù xây dựng có sự kết hợp giữa vật liệu tự nhiên và bê tông cốt thép, nhưng nhìn qua, nhà rông vừa xây dựng vẫn nổi bật bởi phần mái được lợp bằng cỏ tranh và phên vách làm bằng le, nứa. Các khung thép và các chi tiết bê tông cũng được sơn màu hài hòa với vật liệu tự nhiên và phần sân trong khuôn viên nhà rông được đổ bê tông, lát gạch khang trang, sạch sẽ.
Là một trong những hộ dân sống gần nhà rông của làng Kon Tum Kơ Nâm, bà Y Hlưr bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi thấy nhà rông mới của làng đẹp và to lớn như vậy.
Vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên dù nhà rông mới đã hoàn thành từ đầu tháng 8 nhưng đến nay dân làng Kon Tum Kơ Nâm vẫn chưa tổ chức khánh thành nhà rông.
Nhà rông mới và khuôn viên sân xung quanh hiện đang được sử dụng để dạy học cho các cháu lớp mầm non trong làng và sáng thứ 2 hàng tuần làng tổ chức chào cờ.
Bà Y Hlưr cho biết, có nhà rông mới, chúng tôi sẽ luôn tuyên truyền dân làng phải gìn giữ, bảo quản và sử dụng thật tốt. Thời gian tới, khi con đường trước nhà rông được thành phố Kon Tum nâng cấp, dân làng sẽ cùng nhau bỏ công sức làm hàng rào và trồng cây xanh trong khuôn viên nhà rông. Đồng thời, lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức khánh thành nhà rông, giúp dân làng Kon Tum Kơ Nâm có được niềm vui trọn vẹn.
ĐỨC THÀNH