04/05/2021 06:06
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, ông Bùi Văn Mẽo - Thôn phó thôn Thung Nai trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đặt chân đến vùng đất biên giới này. Ông kể, năm 1993, để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, 56 hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã di dân vào định cư ở xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Để nhớ về quê hương, nơi mình sinh ra và gắn bó, 56 hộ dân đã thống nhất và kiến nghị chính quyền địa phương cho lấy tên thôn là Thung Nai để giáo dục truyền thống cho con cháu biết được nguồn gốc mình.
Thời gian đầu đến với vùng đất mới còn nhiều lạ lẫm và khác biệt về thời tiết, phong tục, tập quán, cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc Mường gặp nhiều khó khăn. Những đợt sốt rét rừng ác tính đã làm cho không ít người nản chí và quay về lại quê hương. Lúc đó, với sự vận động của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, các hộ đã quyết tâm ở lại vùng đất mới để lập nghiệp. Họ bắt đầu khai hoang đất để trồng cao su, lúa nước và sau này là trồng cây cà phê.
|
28 năm định cư ở vùng đất mới, hiện thôn Thung Nai đã có 134 hộ, với 445 nhân khẩu, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Toàn thôn có hơn 80ha cao su, hơn 80ha cà phê và 13 ha lúa nước. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đã đạt 38 triệu đồng, thôn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo.
Bà Bùi Thị Xu ở thôn Thung Nai chia sẻ: Ngoài sự nỗ lực của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn quan tâm rất chu đáo, từ y tế đến điện, đường, trường, trạm được xây dựng đầy đủ. Bà con chúng tôi còn được hỗ trợ cây, con giống nên rất an tâm phát triển kinh tế gia đình. Xa quê hương nhưng được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm như thế, chúng tôi rất vui mừng và xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Cùng với việc phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai luôn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Hiện thôn đang duy trì một đội nghệ nhân đánh cồng chiêng. Với họ, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Bà Bùi Thị Thạo, thành viên đội cồng chiêng thôn Thung Nai cho biết: Một bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ, gồm chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với đồng bào dân tộc Mường lại là nữ giới. Cồng chiêng chỉ được sử dụng trong những lễ hội quan trọng, như lễ mừng nhà mới, thành hôn, lễ hội xuống đồng, lễ mừng năm mới... Ngoài cồng chiêng, hiện đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai còn lưu giữ điệu múa sạp, múa quạt, trang phục và trò chơi ném còn truyền thống.
|
Bên cạnh các giá trị văn hóa độc đáo, ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường rất đa dạng và phong phú. Để làm nên những món ăn mang đậm bản sắc, dân tộc Mường thường lấy chất liệu có sẵn trong tự nhiên như cá suối, măng rừng, rau rừng… Ông Bùi Duy Hào ở thôn Thung Nai cho biết, “Dù xa quê hương nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn các món ăn truyền thống. Những món ăn này được làm từ những nguyên liệu tự nhiên nên vừa ngon, vừa đảm bảo độ sạch. Ví dụ như món cá đồ lá đu đủ, chúng tôi dùng hoa đủ đủ đực, hoa chuối rừng vì đây là vị thuốc của dân tộc Mường từ thời xưa; món thịt gà nấu măng chua, chúng tôi cho thêm hạt dổi để tăng hương thơm cho món ăn…”
Theo ông Bùi Duy Nhất - Bí thư Chi bộ thôn Thung Nai, để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết, tạo được sự đồng thuận rất cao của người dân trong thôn khi triển khai thực hiện.
Đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi đã và đang có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau 28 năm rời xa quê hương. Mong ước của họ lúc này là các giá trị văn hóa truyền thống mà họ dành tâm huyết gìn giữ bấy lâu nay sẽ tiếp tục được phát huy và được nhiều người biết đến.
KHÁNH NGÂN