Nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

07/07/2021 06:01

Nhiều năm qua, nghệ nhân Y Hwưch (53 tuổi, ở làng Đăk Rơ Chót, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) vẫn luôn gắn bó với khung dệt và nghề dệt thổ cẩm. Vì thế, dù tuổi đã lớn, nhưng ngày nào không ngồi bên khung dệt thì bà “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Theo nghệ nhân Y Hwưch, dù hiện nay, không mấy người mặn mà với nghề dệt thổ cẩm, nhưng bà vẫn luôn muốn lưu truyền cho con cháu về những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của của dân tộc mình.

Nhiều năm gắn bó với khung dệt, bà Y Hwưch không nhớ nổi mình đã dệt được bao nhiêu tấm vải thổ cẩm lớn nhỏ. Bà chỉ nhớ rằng tấm vải đầu tiên do bà dệt được một người già trong làng cầm tay chỉ dạy. Tấm vải thổ cẩm đầu tiên ấy tuy chưa hoàn hảo nhưng đó chính là niềm cảm hứng để nghệ nhân Y Hwưch luôn cháy hết mình với đam mê nghề dệt cho đến tận bây giờ.

Nghệ nhân Y Hwưch kể: Năm 10 tuổi, bà thường theo mẹ và những người già trong làng đi dự những lễ hội lớn nhỏ. Mỗi lần lễ hội như vậy có rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa làng này với làng kia. Lần nào cũng vậy, thu hút ánh nhìn của bà luôn luôn là những tấm vải thổ cẩm đủ sắc màu với những hoa văn độc đáo. Đặc biệt hơn, khi quan sát những nghệ nhân dệt thổ cẩm, bà lại cảm thấy những động tác lên khung, se chỉ, luồn vải rất thân thuộc, mặc dù chưa từng thử qua lần nào. Những động tác qua đôi tay thoăn thoắt, điêu luyện của các bà, các mẹ đều được Y Hwưch nhớ và tìm cách thực hành mỗi khi có cơ hội. Do đó, từ nhỏ, Y Hwưch đã có khiếu dệt thổ cẩm nhờ khả năng quan sát và ghi nhớ.

Nghệ nhân Y Hwưch luôn tận tâm truyền nghề cho lớp trẻ. Ảnh: H.T

 

So với nhiều nghệ nhân khác trong làng, bà Y Hwưch chưa phải là người có thâm niên lâu nhất trong nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, theo những lời nhận xét của các nghệ nhân khác, sản phẩm của bà Y Hwưch mang nét riêng, các sản phẩm làm ra đều tinh xảo, đẹp mắt. Từ đam mê, nghệ nhân Y Hwưch còn tìm cách sưu tầm, học hỏi những họa tiết đẹp, những cách phối chỉ màu độc đáo của những nghệ nhân làng khác.

Nghệ nhân Y Hwưch chia sẻ, trước đây, mỗi lần muốn dệt thổ cẩm, người dệt phải chuẩn bị nguyên vật liệu rất công phu. Để làm ra những tấm vải đủ sắc màu, những trang phục, chăn màn, tấm vải mang nét riêng thì việc tạo màu rất quan trọng. Sau khi đem nguyên liệu lấy từ những loại cây trên rừng về phải trải qua một quá trình công phu mới tạo ra những tấm vải đủ màu sắc (đen, đỏ, vàng, tím...).

Giờ đây, nguyên liệu để dệt hầu hết đều mua sẵn ngoài chợ, nhưng mỗi khi có thời gian, bà Y Hwưch vẫn cùng hai cô con gái của mình là Y Huk (22 tuổi) và Y Hê (17 tuổi) vào rừng tìm kiếm nguyên vật liệu để tự tay làm những sợi vải màu một cách tự nhiên nhất. Với những nguyên liệu như vậy, tấm vải làm ra luôn mịn, mát và có giá trị hơn rất nhiều so với vải được làm bằng nguyên liệu công nghiệp.

Ngồi bên hiên chăm chú xem mẹ dệt vải, Y Huk chia sẻ: “Mặc dù em dệt không giỏi, nhưng em rất thích mặc những bộ đồ thổ cẩm vào những dịp đi chơi hay có lễ hội. Mẹ luôn dạy rằng, cho dù em không thể dệt giỏi như ông bà lúc xưa, ít nhất cũng phải nắm được kĩ thuật cơ bản. Đặc biệt, phải am hiểu, biết thưởng thức từng họa tiết hoa văn trên tấm vải, như thế cũng là góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình rồi”.

Nghệ nhân Y Hwưch luôn tỉ mỉ với từng sản phẩm mình làm ra. Ảnh: H.T

 

Theo bà Y Hwưch, khi truyền nghề cho các con, đầu tiên phải bắt đầu với những việc dễ trước như dạy cách se chỉ, dệt túi, khăn, khố..., rồi mới đến những sản phẩm lớn hơn như chăn, quần áo và những tấm vải lớn. Bà luôn dạy các con mình rằng phải làm thật tỉ mỉ, cẩn thận chứ không được làm cho có, làm qua loa. Có thể cả tháng mới dệt xong một sản phẩm, nhưng miễn là làm với một tinh thần kiên nhẫn và tỉ mỉ nhất có thể, sản phẩm làm ra dù chưa được đẹp, nhưng cũng giúp tay nghề của các con mình tiến bộ hơn.

Với niềm đam mê của mình, bà Y Hwưch luôn tìm cách kết nối những nghệ nhân khác cùng chung đam mê trong việc giữ nghề dệt thổ cẩm tại làng. Bà cho rằng, mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng nhưng đều có chung tình yêu riêng đối với thổ cẩm, điều đó sẽ giúp cho nghề dệt đứng vững hơn trước nguy cơ mai một.

Đến nay, mỗi khi có dịp lễ hội, bà Y Hwưch cùng những nghệ nhân khác thường mang những tấm thổ cẩm do chính tay mình làm ra để trưng bày. Bà cho biết, giống như đàn ông, con trai Ba Na phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng thì đàn bà, con gái phải biết múa xoang và dệt vải. Mỗi bộ trang phục thổ cẩm làm ra đều có màu sắc, đường nét, hoa văn trang trí riêng biệt,  và đặc biệt là thể hiện được sự khéo léo của người con gái Ba Na. Người con gái dệt giỏi bao giờ cũng được nhiều chàng trai ngưỡng mộ, theo đuổi.

Tuy nhiên, theo bà Y Hwưch, những lễ hội trong làng đã thưa dần và chỉ tổ chức vào những dịp đặc biệt. Mặt khác, mỗi dịp lễ hội như thế, các phong tục truyền thống cũng bị lược bỏ, đơn giản hơn, vì thế mà thổ cẩm cũng ít có cơ hội được trưng bày thường xuyên như trước kia. Cùng với đó, sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp may mặc, nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một, lớp trẻ trong làng hiện giờ không còn mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc nữa. Các mặt hàng may sẵn hiện giờ đa dạng về hình thức và mẫu mã với giá rẻ đã chiếm ưu thế, lấn át các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống. Càng yêu nghề bao nhiêu, bà Y Hwưch cùng những nghệ nhân thổ cẩm trong làng càng lo lắng, trăn trở về sự mai một của nghề dệt thổ cẩm bấy nhiêu.

“Gắn bó với nghề đã nhiều năm, tôi tìm thấy niềm vui khi tự tay mình dệt những sản phẩm cho con cháu trong nhà sử dụng, càng vui hơn khi những sản phẩm đó lại được ưa chuộng bởi nhiều người khác. Mong rằng sẽ có nhiều lớp dệt thổ cẩm được mở hơn nữa để nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na  được truyền lại cho thế hệ lớp trẻ” – nghệ nhân Y Hwưch trải lòng.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác