28/06/2021 06:01
Góp sức giữ gìn
Đón khách từ tỉnh về tìm hiểu việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, những người già ngồi quây quần trong nhà A Ginh - già làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Vốn quý khách, già làng A Ginh kéo ghế và lấy lon nước ngọt ân cần mời tôi uống như người thân trong nhà lâu ngày gặp lại. Còn già làng A Ginh nhấp ly trà, lấy hơi và chậm rãi kể: Ngày trước, người Hà Lăng sinh sống ở trong rừng. Xã Rờ Kơi nhìn đâu cũng thấy rừng. Gắn bó với rừng, người Hà Lăng lấy âm nhạc làm thú vui trong sinh hoạt, lễ hội và hòa mình với thiên nhiên. Do vậy, nhiều người Hà Lăng ở làng Rờ Kơi yêu thích âm nhạc và chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
Vừa nói, già làng A Ginh vừa cầm lấy ống sáo thổi lên một giai điệu trữ tình. Tiếng sáo phát ra những âm thanh nghe như những làn gió đuổi nhau trên những dải đồi, trên mái nhà rông, như những tiếng chim đua nhau hót lánh lót trong rừng... Thả ống sáo xuống, già lại ôn tồn cười: “Múa rìu không qua mắt thợ. Người giỏi các loại nhạc cụ phải kể đến cụ nghệ nhân A Héa đây!”.
|
Tiếp lời già làng A Ginh, nghệ nhân A Héa giãi bày: Cũng như nhiều người Hà Lăng trong làng, ngày trước khi còn nhỏ tuổi, tôi thường mê các loại nhạc cụ truyền thống. Đi theo người già, nhìn và lắng nghe các cụ, dân làng đánh cồng chiêng trong các ngày hội, đánh đàn tơ rưng, ting ting, thổi sáo ting jâng... rồi mình nhập tâm lúc nào không hay. Chính vì vậy, tôi sớm chơi được các loại nhạc cụ khi còn khá trẻ. Theo thời gian, máu mê âm nhạc càng ngày càng lớn lên chứ không vơi cạn.
“Trong sinh hoạt và cuộc sống, người Hà Lăng ở Rờ Kơi thường mượn âm nhạc làm nguồn vui. Đến tuổi này, tôi vẫn thấy mình còn nặng lòng với âm nhạc truyền thống. Thiếu âm nhạc, cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm!”- già A Héa thật lòng.
Không chỉ đam mê, già A Héa còn chế tác đàn tơ rưng, ting ning, sáo ting jâng... và truyền dạy cho dân làng chơi cồng chiêng và các loại nhạc cụ. Trong làng, nhiều người biết đánh cồng chiêng và chơi được các loại nhạc cụ. Không khó hiểu khi tôi được già A Héa cùng những người lớn tuổi trong làng cho biết, ở làng Rờ Kơi có hơn chục bộ cồng chiêng, trong đó có hai bộ cồng chiêng tập thể và khoảng chục bộ cồng chiêng của các hộ gia đình. Đồng thời, nhiều gia đình trong làng Rờ Kơi có đàn tơ rưng, ting ning, sáo ting jâng...
Nỗi niềm trăn trở
Tuy nhiên, già A Héa thừa nhận, người Hà Lăng ở làng Rờ Kơi nói riêng, xã Rờ Kơi nói chung chưa ghi lại các nốt nhạc, bản nhạc cụ thể mà chỉ nhớ từng giai điệu trong lòng. Ví như việc đánh cồng chiêng, người Hà Lăng làng Rờ Kơi nhớ và đánh theo giai điệu chiêng vui khi dân làng tổ chức lễ hội mời Yàng về mừng lúa, bắp trên rẫy tươi tốt, hứa hẹn mùa bội thu (người Hà Lăng ở đây không cúng mừng lúa mới sau khi thu hoạch mà cúng khi thấy lúa, bắp phát triển tốt), mừng giọt nước, nhà rông mới... Đồng thời, người dân còn có những giai điệu chiêng, nhịp điệu chiêu chia buồn với gia đình có người chết.
|
Còn tiếng đàn tơ rưng, ting ning, sáo..., thường ngân lên khi người dân thư giãn trong lúc nông nhàn, trong những đêm trăng sáng, múa hát giao duyên hay gọi tình nhau trong giờ phút nghỉ ngơi trên rẫy. Các “nghệ sĩ” của làng chỉ nhớ, truyền tai nhau và chỉ bảo cho nhau các giai điệu, nhịp điệu chiêng, đàn, sáo..! Già A Héa khẳng định.
Thấy khách chăm chú lắng nghe, như để tưởng thưởng, già A Héa cầm đàn ting ning gảy một đoạn dài. Tiếng đàn của già ngân lên như nhịp chiêng vào hội, lúc lại trầm ấm ân tình như lời ca, lúc réo rắt như nước suối đầu nguồn... Thả đàn xuống, già lại cầm sáo ting jâng lên thổi. Thú thật, lần đầu tiên tôi mới thấy loại sáo này. Sáo ting jâng gồm nhiều ống nứa ghép lại với nhau, ống nứa ở giữa dài, các ống ở hai bên ngắn dần. Ông cầm sáo ting jâng lên thổi rất điệu nghệ. Rất tiếc, tuổi cao nên hơi thổi già yếu, tiếng sáo phát ra nhè nhẹ, chỉ dìu dặt như làn gió lượn, như dòng nước tràn trong khe núi...
“Mình tuổi cao rồi, không còn sức để thổi được ting jâng như ngày xưa nữa. Ôi, tuổi tác!”- giọng chùn xuống, già A Héa cầm sáo nhẹ nhàng đặt trên bàn.
Trầm ngâm một lúc, già bộc bạch: Trong các loại sáo, sáo ting jâng là loại sáo độc đáo mà người Hà Lăng thường thổi. Không chỉ con trai, con gái Hà Lăng thường thổi ting jâng và mê ting jâng.
“Trong lúc nông nhàn, các cô, các chị thường thổi các bài dân ca về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa... của người Hà Lăng. Qua tiếng đàn, tiếng sáo, trai gái Hà Lăng thường thể hiện tình cảm với nhau mà nên vợ nên chồng. Qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua lời ca tiếng hát, vợ chồng gửi gắm tình cảm với nhau mà yêu nhau hơn...” - già A Héa bày tỏ.
Lặng nghe A Héa bộc bạch, già làng A Ginh gật đầu và chia sẻ thêm: Trong quan niệm, cùng với cồng chiêng, tiếng sáo, tiếng đàn còn được người dân gửi gắm, thể hiện niềm tôn kính với Yàng trong dịp lễ hội, đâm trâu để cầu xin Yàng phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, mọi nhà làm ra thóc lúa đầy kho, gia đình ấm no và hạnh phúc.
Ông A Theng - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi đánh giá cao những nghệ nhân như ông A Héa trong việc gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của người Hà Lăng. Đồng hành với các nghệ nhân và ý thức được các giá trị văn hóa, A Theng cho biết, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Rờ Kơi tạo điều kiện cho các nghệ nhân như A Héa, A Tlung, A Yêu, A Ẻo, Y Rua phối hợp với Trường THCS xã Rờ Kơi dạy các loại nhạc cụ, múa xoang, múa chiêu cho các em học sinh và dân làng.
“Khơi dậy ý thức dân tộc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, chính vì vậy, đội cồng chiêng, múa xoang do già A Héa cùng các nghệ nhân trong làng Rờ Kơi dẫn đầu khi tham gia hội diễn trong các đợt Liên hoan cồng chiêng và múa xoang, Liên hoan chào mừng Đại hội các DTTS trên địa bàn huyện... thường dành được đánh giá cao, đem vinh quang về cho dân làng và địa phương” - A Theng chia sẻ.
Nặng lòng với âm nhạc, nhưng nghệ nhân A Héa nói rằng mình không còn nhiều sức để tiếp tục việc truyền dạy các loại nhạc cụ cho các cháu và người dân; không còn sức để vào rừng chọn nứa, lồ ô về làm sáo, làm đàn cho con cháu; không còn sức khơi dậy tình yêu, khát vọng việc giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc của người Hà Lăng... Người già thường nói thật, bởi tôi biết già đang lo lắng khi lớp trẻ bây giờ lo học chữ, lo làm kinh tế, ít quan tâm đến nhạc cụ như lớp các cụ ngày xưa.
“Mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân trẻ trong làng tiếp tục truyền dạy, giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống; ghi lại được các nốt nhạc, bản nhạc, các làn điệu dân ca Hà Lăng để dễ giữ gìn và phổ biến cho thế hệ mai sau...”- già A Héa “rút ruột” tâm tình.
Nhìn cách biểu hiện và bày tỏ nỗi lòng, tôi biết nghệ nhân A Héa vẫn còn có nhiều day dứt trong việc phổ biến âm nhạc truyền thống cũng như các vốn văn hóa quý khác của người Hà Lăng mà mình chưa làm được và đang kỳ vọng vào lớp nghệ nhân trẻ hơn.
Văn Nhiên