Mượt mà giai điệu dân ca của đồng bào DTTS Kon Tum

20/09/2016 06:00

Dân ca là kết quả tuyệt vời của sự sáng tạo trong đời sống tinh thần đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng sinh hoạt hát dân ca vẫn được đồng bào duy trì, lưu giữ và truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Dân ca - Hơi thở của cuộc sống

Ca hát là nhu cầu phổ biến trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS ở Kon Tum. Họ hát trên đường đi, hát trong lễ hội, hát khi làm việc, hát ru con ngủ, hát trong lúc vui chơi, hát trong cả đám tang... Ca dao, dân ca của các dân tộc ở Kon Tum vì thế mà rất phong phú, nó phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tình yêu lứa đôi, đấu tranh giai cấp và nhiều nhất là tình yêu thôn làng, yêu thiên nhiên.

Mỗi dân tộc như Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm lại có rất nhiều bài dân ca mang sắc thái riêng của dân tộc mình, với chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo, phong phú và cùng với quá trình lao động sản xuất, chúng đã trở thành tiếng nói riêng của họ.

Già Thao Chrêm - "bảo tàng dân ca" của dân tộc Brâu. Ảnh: TH

 

Với họ, dân ca cũng giống như hơi thở của con người, như miếng cơm nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, như bầu nước suối trong mát ngọt lành không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Đó là món ăn tinh thần dân dã, hằn sâu trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người khi lớn lên; đặc biệt là khả năng ứng tác, mọi thứ đều có thể vận vào làn điệu có sẵn, dù những nội dung mới nhưng vẫn rất có vần có điệu.

Những giai điệu dân ca không thể thiếu vắng trong các lễ hội của đồng bào các DTTS Kon Tum. Ảnh: Sỹ Dũng

 

Trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng, người dân đã sáng tạo ra nhiều thể loại dân ca, nghệ thuật diễn xướng đặc sắc với giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Tiêu biểu như Tin Tin, Rơ Nghê của người Xê Đăng, Ba Na, hay Kđọ của người Giẻ Triêng... Những giai điệu sâu lắng, mượt mà, tha thiết lại được sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ đệm như đàn T’rưng, đàn Klông Put, Ting Ning, Goong…

Đặc trưng chung trong lối hát dân ca của đồng bào các DTTS thường thời gian thể hiện rất dài, nhưng lời ca luôn có âm điệu, nhịp điệu hài hòa, ngôn ngữ đối xứng dễ thuộc, dễ nhớ, gieo vần linh hoạt. Qua mỗi khúc hát, người dân các DTTS đã thể hiện tiếng lòng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, lao động, yêu cuộc sống, yêu con người…

Khó có thể kể hết về kho tàng ca hát của các dân tộc trên địa bàn Kon Tum. Bởi dù là giai điệu rộn ràng hay dịu êm, khỏe khoắn hay trữ tình, tự sự hay hoan ca..., mỗi bài hát là một sự sáng tạo ngẫu hứng đầy đam mê. Nó phong phú về thể loại; sâu sắc về nội dung; dí dỏm, thông minh, đôi khi cả thâm thúy trong ý tứ; là tiếng nói tâm tình, lời tâm sự của họ với mọi người xung quanh về cuộc sống của mình, của dân làng.

Đậm đà sắc thái của mỗi dân tộc

Dân ca của đồng bào các DTTS ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử xã hội và dân tộc. Đi đâu họ cũng thấy núi, ở đâu họ cũng gặp rừng, thần linh và cả con ma đều ở xung quanh họ, vừa xa vời lại vừa gần gũi và họ thể hiện qua góc nhìn của cộng đồng mình. Chính từ đặc điểm này đã tạo ra những nét đặc sắc mang màu sắc riêng của mỗi dân tộc.

 Tiêu biểu như dân ca của dân tộc Ba Na có tính chất thiết tha, nồng nàn, đem lại cảm giác lắng dịu, êm đềm cho người nghe. A Đăng (làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) kể rằng: Với người Ba Na, cuộc sống lao động đã gắn kết cộng đồng nên kho tàng dân ca, dân vũ cũng khá đồ sộ về quy mô và phong phú về thể loại, làn điệu. Giai điệu cơ bản là giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau có khi mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết; có khi khoẻ khoắn, hùng tráng… Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn thể hiện từ những hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, núi đồi đến các hiện tượng lịch sử, xã hội, các câu đố, lời chào và còn cả ca ngợi thành quả lao động, sự ăn ở đức độ và lời chúc an lành, may mắn.

Dân ca Ba Na phổ biến nhất các thể loại sử thi, hát ru và bài cúng tế trong các lễ hội; trong đó, hát ru là thể loại thường được nhắc đến nhiều hơn cả. Người Ba Na hát ru con khi vừa trỉa bắp, trỉa lúa, vừa giã gạo, lấy nước... Vì thế, họ ru không chỉ bằng lời mà bằng cả hơi ấm và sự chuyển động của thân thể theo những tiết tấu nhịp điệu của lời ru, vừa êm ái lại vừa nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, trong lối hát dân ca của người Ba Na còn nhiều thể loại cũng khá đặc sắc như mừng chiến thắng, đi rừng, đi rẫy… Đặc biệt, mỗi khi sắp đến mùa thu hoạch lúa họ lại phải thay nhau trông chim, chuột… để chúng không phá hoại mùa màng.

Với người Xê Ðăng, những làn điệu dân ca của họ cũng vô cùng phong phú, nhưng phổ biến nhất là hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Người Xê Đăng, nhất là nhóm Mnâm rất yêu thích ca hát. 70 tuổi, với sự am hiểu khá sâu sắc về văn hoá của dân tộc mình, già làng A Bip (làng Kon Chốt, xã Đăk Long, huyện Kon Plông) chia sẻ: Người dân mình có lối hát đối đáp giao duyên hay còn gọi là Acheo h'nụ đ’bo, tức là nam nữ hát đối với nhau khi đi làm, khi vui chơi hội hè. Đó là cách để nam nữ thanh niên bày tỏ tình cảm, tình yêu với nhau. Bên cạnh đó, dân ca ru em của dân tộc Xê Đăng cũng rất nổi tiếng.

 Với giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, nhưng thể hiện rõ nét cuộc sống lao động sản xuất của người dân: “Em ơi, em ngủ cho ngoan - để mẹ đi chặt cây chuối nơi xa. Em nằm ngủ cho ngoan - ngoài rừng xa, cha đang đi kiếm măng non. Ngủ ngoan ơi, em ơi -  Nơi xa, mẹ tìm được nhiều ngọn rau non. Đừng khóc nữa ơi, em ơi”... Ngoài ra, sự đa dạng về các loại nhạc cụ như đàn, nhị, sáo dọc, đàn Klông Pút, cồng chiêng, ống gõ, đàn nước...thường được đệm cùng các bài hát cũng đã góp phần làm cho dân ca của người Xê Đăng cất cánh bay xa.

 Với đồng bào Giẻ Triêng, khúc dân ca “Dệt vải” là giai điệu tiêu biểu, được người dân yêu thích và cũng được biết đến nhiều nhất. Bài dân ca gắn liền với nghề dệt thổ cẩm phụ nữ Giẻ Triêng từ thuở xa xưa. Theo đó, trong lúc dệt vải, họ thường ngân nga đôi làn điệu dân ca để quên đi mệt mỏi, cổ vũ tinh thần lao động. Những lời hát thể hiện một cách sinh động, gần gũi, chân thực về công việc của những người phụ nữ Giẻ Triêng đảm đang, khéo léo.

Có thể nói, từ xa xưa, tuy cuộc sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần lạc quan, yêu đời, họ luôn ca hát và từ đó đã sáng tạo ra những làn điệu dân ca riêng của dân tộc mình. Tất cả các làn điệu dân ca của các tộc người trên địa bàn Kon Tum dù là hát tập thể, đối đáp hay đơn lẻ... thì lời hát đều thổ lộ tâm sự, tâm tình ca ngợi tình yêu quê hương, buôn làng, tình yêu đôi lứa, sự thuỷ chung và khát vọng hạnh phúc.

Sự phong phú đa dạng, sự hấp dẫn ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong dân ca của người Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Bờ Râu, Rơ Măm đã góp phần tạo sự đa dạng trong sắc màu văn hoá các DTTS ở Kon Tum.

Thiên Hương

Chuyên mục khác