26/09/2014 14:18
Công phu, khéo léo
Vào làng Rờ Kơi, chúng tôi may mắn được anh A Khom – cán bộ phòng văn hóa xã Rờ Kơi dẫn vào tham dự một lễ hội đâm trâu. Thấy khách lạ, đại diện của gia chủ đã “nghênh đón” rồi mời ngồi vào một chiếc ghế được làm bằng da trâu.
Những người già ngồi trên ghế Tăng Đyó uống rượu cần. Ảnh: H.T |
Chỉ vào chiếc ghế, ông A Thih (84 tuổi) - già làng làng Rơ Kơi cho biết: Đây là ghế Tăng Đyó. Theo tập tục của người H’Lăng, người cao tuổi phải có cái ghế Tăng Đyó để ngồi nhưng nay cả xã chỉ còn mỗi ông A Hơng biết làm nên ghế này không còn nhiều nữa. 5 cái Tăng Đyó đây đều là của ông Hơng làm tặng đấy, mấy già làng giữ kĩ lắm, có lễ đâm trâu mới đem đến để ngồi.
Tranh thủ có lễ hội đâm trâu, già A Hơng cặm cụi đi lấy những tấm da trâu. Già bảo: Lâu lâu mới có đâm trâu nên mình tranh thủ xin da trâu, không phải mình tham đâu, mình xin về để làm ghế rồi tặng cho mọi người đấy!
Chúng tôi theo già A Hơng về thăm nhà của già ở làng Kram. Trong ngôi nhà sàn vách đất, già bắc thang lấy xuống một bao ghế to được cất kĩ trên gác. Vừa bày từng cái ghế ra già A Hơng vừa kể: Ngày xưa ở làng mình nhiều người biết làm ghế Tăng Đyó lắm, nhưng nay người biết làm ghế đã mất hết rồi, lứa trẻ cũng không ai học được nên mình càng cố gắng làm để giữ lại cái nghề truyền thống của dân tộc.
Để làm được một chiếc ghế Tăng Đyó, già A Hơng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự công phu, khéo léo, đam mê. Sau khi kiếm được da, già phải lặn lội vào trong rừng bứt dây mây đỏ và tìm cây bông. “Cây bông mềm, dẻo lại chắc mới làm được, nhiều lần mình thử loại cây khác nhưng không làm được đâu”- già A Hơng cho biết.
Già A Hơ ng đang cố định thêm dây mây vào những đường thép để ghế chắc chắn hơn. Ảnh: H.T |
Sau khi tìm được cây bông về, già lại cặm cụi chẻ ra thành từng sợi dày tầm 5cm, rộng khoảng 4cm, dài khoảng 50-70cm rồi đem ngâm vào nước để cho mềm. Khi hai dây đã mềm, già A Hơng lấy mỗi dây uốn cong thành một vành tròn, vành tròn có bán kính to được dùng làm chân ghế và vành có bán kính nhỏ hơn để ốp da, làm mặt ghế. Từ hai vành ghế, già lại tỉ mỉ xuyên từng lỗ từ hai vành đối xứng với nhau (mỗi lỗ sẽ cách nhau khoảng 2cm) rồi dùng dây thép dài xuyên qua từng lỗ từ vành trên đến vành dưới theo hình sin để làm thân ghế.
Già cho biết: Ngày trước mình thường làm thân ghế bằng dây mây nhưng vì mây chịu sức nặng không tốt bằng thép nên mình đã thay mây bằng thép. Kéo thép này mất sức lắm. Mình phải kéo thật căng thì ghế mới chịu lực tốt được nhưng cũng phải khéo léo nếu không sẽ làm vành bị gãy.
Làm xong khung của một chiếc ghế, già A Hơng lại bắt tay vào làm công đoạn cuối cùng: bọc da. Da trâu, da bò rất cứng nên sau khi lấy về, già phải bào bớt ra cho mỏng rồi đem ngâm vào nước từ 1-2 ngày. Khi da mềm hơn, già dùng hết sức để kéo căng lớp da rồi đóng đinh cố định vào vành trên để làm mặt ghế.
Để chiếc ghế đẹp và chắc hơn, sau khi đóng đinh xong, già tiếp tục dùng 4 sợi mây bện hình con rết rồi căng tròn, phủ quanh trên những lớp đinh đã đóng. Già A Hơng tâm sự: Hồi mới học nghề từ cha, mình phải mất hơn một tuần mới làm xong một cái ghế, nay mình quen rồi, trừ thời gian đi tìm nguyên liệu, một ngày mình có thể làm được 1-2 cái.
Giữ hồn truyền thống
Theo lời kể của già A Hơng, vì không muốn nghề truyền thống của dân tộc bị quên lãng, năm ngoái, già đã chủ động mời gọi những người trung niên, thanh niên trong xã lại để truyền nghề. Nhưng vì nguyên liệu để làm ghế ngày càng hiếm, hơn nữa, ghế da trâu đòi hỏi làm hoàn toàn bằng thủ công, tốn nhiều công, nhiều sức lại không đem lại thu nhập cao (1 cái chỉ khoảng từ 120-150 ngàn, tùy theo lớn nhỏ) nên “các học trò” của già không ai theo đuổi nghề này.
Anh A Trinh (32 tuổi) ở làng Rờ Kơi bộc bạch: Thấy già mong muốn truyền dạy để giữ gìn nghề của dân tộc nên bọn mình cũng đến để học nhưng khó lắm, làm phồng hết cả tay nhưng vẫn không được nên đành bỏ thôi.
Mọi người không làm được, già Hơng phải cố gắng làm ghế thật nhiều. Sau những giờ đồng áng, thay vì nghỉ ngơi già lại cặm cụi ngồi làm, có hôm quá mải mê đến khi ngẩng lên già mới biết đôi tay của mình phồng rộp.
Dẫu tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng khi làm xong, già A Hơng lại vui vẻ mang ghế đi … tặng. “Nhiều người cứ nghĩ mình có vấn đề vì bỏ công sức ra mà không đem ghế đi bán. Nhưng đâu phải có tiền mới vui, mình tặng ghế cho mọi người để họ biết và trân trọng cái nghề làm ghế của dân tộc thôi. Hơn nữa, khi mình tặng, ai cũng mừng, cũng quý lắm, như thế là mình vui lắm rồi! – già A Hơng vui vẻ.
Cảm kích lòng nhiệt huyết giữ gìn nghề truyền thống của già, bà con các làng thường đem da trâu, da bò tới “ủng hộ” để động viên già. Già làng A Linh ở làng Đăk Đe chia sẻ: Người H’Lăng mình rất may mắn khi vẫn còn ông Hơng biết giữ lại nghề làm ghế truyền thống của dân tộc. Cứ rảnh rỗi mình lại chạy xuống phụ ổng làm ghế, khi nào có da trâu, da bò mình đều để dành để đem xuống cho ông.
Không chỉ có già A Linh, ông Nguyễn Ngọc Kim - người làm trống ở làng Đăk Đe cũng nhặt nhạnh những miếng da trâu còn dư sang “ủng hộ” cho già Hơng. Rồi những lần đâm trâu, lễ tiệc, nếu có da trâu, da bò, mọi người đều để dành cho già A Hơng.
Từ những chiếc ghế Tăng Đyó độc đáo, quý báu của già Hơng tặng, người dân nơi đây cất giữ thật kĩ, khi có lễ hội đâm trâu hay tiệc tùng lớn mới đem ra ngồi. Ngồi trên chiếc ghế da trâu chắc, bền, những người già lại kể cho con cháu nghe những câu chuyện văn hóa của dân tộc trong đó có nghề làm ghế Tăng Đyó của người H’Lăng. “Dẫu bây giờ vẫn chưa có ai theo cái nghề làm ghế Tăng Đyó nhưng khi dân làng còn quan tâm thì già tin rằng nghề làm ghế Tăng Đyó này sẽ sớm được hồi sinh!”- già A Hơng tâm sự.
Hoài Tiến