Một đêm với “ngư phủ” làng Chứ

19/07/2021 13:05

Thủy điện Ia Ly được xây dựng đã hình thành nên vùng lòng hồ rộng lớn và tạo nguồn lợi thủy sản dồi dào. Cũng từ đây, người Gia Rai ở làng Chứ (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) bắt đầu gắn bó với nghề đánh bắt cá trên lòng hồ. Việc làm này không chỉ cải thiện bữa ăn mỗi ngày mà còn là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.

Như đã hẹn với anh A Thông, một người dân làng Chứ, tôi có mặt ở khu vực bến thuyền của làng từ rất sớm để theo anh xem người làng đánh bắt cá trên lòng hồ. Khung cảnh của bến thuyền làng Chứ khi ấy tối đen như mực, nguồn ánh sáng duy nhất mà tôi thấy được là từ những chiếc đèn pin mà anh A Thông cùng những người đi đánh cá khác đội trên đầu. Mọi người chào nhau, hỏi thăm đôi ba câu rồi nhanh chóng nhổ neo, chèo xuồng đến vị trí thả lưới của mình ở lòng hồ.

Bến thuyền làng Chứ và lòng hồ sau đó yên ắng đến lạ thường. Chỉ có âm thanh được phát ra từ những mái chèo đang khua nước. Vừa chèo anh A Thông vừa tâm sự: Ở làng Chứ hiện nay có khoảng 30 người làm nghề đánh bắt cá, hầu hết mọi người đều sử dụng xuồng có mái chèo để đánh cá; số ít có điều kiện thì sử dụng xuồng có gắn động cơ với giá trị hơn 7 triệu đồng/chiếc. Gần như toàn bộ diện tích làng Chứ được bao bọc bởi lòng hồ Thủy điện Ia Ly, xung quanh bờ bên kia là những mảnh đồi trồng cao su, cà phê và mì. Khu vực lòng hồ này có rất nhiều người tham gia đánh bắt cá, nuôi tôm và nuôi cá lồng.

Người dân làng Chứ (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) đánh bắt cá ở lòng hồ Thủy điện Ia Ly. Ảnh: ĐT

 

Sau gần 15 phút chèo xuồng di chuyển trên lòng hồ, tôi và anh A Thông cũng đến được vị trí thả lưới của một số người dân làng Chứ. Anh A Thông cho hay, khi đánh bắt cá, người dân làng Chứ hay thả “lưới trời”. Đây là loại lưới được làm bằng cước nổi gần mặt nước; có 2 tấm lưới hình chữ nhật (kích thước 2x20m) nằm chồng lên nhau và có 4 cạnh dính vào nhau (gồm tấm lưới mắt to nằm bên trên và tấm lưới mắt nhỏ nằm bên dưới). Ở vị trí 4 góc của loại lưới này là 4 cái phao (thường là những chiếc can nhựa hoặc miếng xốp lớn) và trên tấm lưới mắt to có 5 cây tre xỏ ngang qua với khoảng cách 4m/cây để giúp tấm lưới mắt to nổi gần mặt nước và tấm lưới mắt nhỏ chìm võng bên dưới mặt nước khoảng 50cm. Để lưới cố định không di chuyển, mỗi chiếc phao cũng được cột dây có đầu buộc 1 hòn đá lớn thả dưới đáy lòng hồ.

“Mỗi tấm “lưới trời” có giá 360.000 đồng. Trung bình mỗi người đi đánh bắt cá ở làng Chứ sở hữu khoảng 5 tấm lưới này”, anh A Thông nói.

Cũng theo A Thông, để đánh bắt cá, mọi người chèo xuồng nằm ngang, vuông góc với chiều dài của tấm lưới, sau đó dùng 2 tay nắm vị trí ở giữa và bắt đầu kéo tấm lưới lên khỏi mặt nước. Việc kéo này cũng giúp người và xuồng di chuyển chậm rãi, dọc theo chiều dài của tấm lưới.

Việc đánh bắt cá bắt đầu diễn ra lúc mặt trời chưa mọc. Ảnh: ĐT

 

Sau khi quan sát một số người dân làng Chứ kéo lưới, bắt cá xong, anh A Thông chèo xuồng dẫn tôi ra khu vực lòng hồ chính của Thủy Ia Ly điện nằm bên làng Chờ (cùng ở xã Ya Ly), nơi anh cùng nhiều người đánh bắt cá khác của làng Chứ thả lưới ở đây. Để đến được khu vực lòng hồ rộng lớn này, chúng tôi phải đi qua 1 cửa luồng dài hơn 1km và rộng vài trăm mét. “Ven 2 bờ cửa luồng dẫn ra lòng hồ chính là nơi hay bắt được cá nhất, vì thế ở đây có rất nhiều lưới của người làng Chứ”, anh A Thông chia sẻ.

Sau gần 30 phút di chuyển, tôi và anh A Thông cũng đến được khu vực lòng hồ chính, lúc này mặt trời cũng bắt đầu mọc. Ở đây, chúng tôi gặp và trò chuyện với những người đánh bắt cá khác của làng Chứ. Họ có mặt ở đây từ rất sớm, một số người cũng gần hoàn thành việc kéo lưới và bắt cá trong buổi sáng của mình.

Nhiều người dân làng Chứ chịu khó chèo thuyền đến khu vực lòng hồ chính của Thủy điện Ia Ly để đánh bắt cá. Ảnh: Đ.T

 

Anh A Thông bộc bạch với tôi, một số người dân làng Chứ buổi tối ngày hôm trước đã chèo xuồng ra khu vực này, trải bạt, nằm ngủ dưới gốc cây trên những mảnh đồi ven bờ hồ để sáng ngày hôm sau đi kéo lưới, bắt cá sớm.

Chèo xuống đến vị trí thả lưới của mình, anh A Thông cũng bắt tay vào công việc. Vừa làm anh A Thông vừa cho biết, những năm trước, vào tháng 3, tháng 4, mỗi ngày tôi và người làng Chứ đều bắt được vài kilôgam cá các loại, gồm cá thát lát, rô phi, mè dinh mang về bến thuyền của làng bán cho thương lái, thu được vài trăm nghìn đồng. Khoảng 2 năm trở lại đây, cũng cùng thời gian đó, mỗi ngày chúng tôi bắt được rất ít cá, nhiều hôm đi kéo lưới có người còn về tay trắng vì không bắt được con cá nào. Việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn hơn.

Những con cá người dân làng Chứ bắt được chủ yếu là thát lát, rô phi và mè dinh. Ảnh: Đ.T

 

Sau một lúc kéo lưới, anh A Thông cũng bắt được khoảng hơn 10 con cá thát lát và cá rô phi. Anh cẩn thận thả các tấm lưới xuống nước như ban đầu, đồng thời, gỡ những cành, lá cây mắc vào lưới rồi gia cố lại các tấm lưới để chắc chắn. “Một tấm lưới chỉ có tuổi thọ khoảng 1 năm nên tôi phải sử dụng và giữ gìn cẩn thận”, anh A Thông chia sẻ.

Tôi và anh A Thông trở về bến thuyền của làng vào lúc khoảng 7h30. Ở trên bờ, một số người đánh bắt cá ở làng Chứ về trước đang bán cá cho thương lái. Mọi người lựa chọn những con cá to để bán cho thương lái, còn những con cá nhỏ mang về nhà để dùng làm thức ăn cho gia đình. “Hy vọng đến mùa cá chép, vào thời điểm mực nước lòng hồ bắt đầu lên từ đầu tháng 9, tôi và người làng sẽ bắt được nhiều cá hơn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh A Thông nói và chào tạm biệt tôi.

ĐỨC THÀNH

Chuyên mục khác